SAO ANH KHÔNG VỀ CHƠI….QUY NHƠN
Trong 5 năm đi Quy Nhơn 3 chuyến, đến chuyến thứ 3 mới ngỡ ra mình còn nợ nơi đây chiếc review về vùng biển trời quá đỗi rực rỡ này. Cũng là lần đầu tiên trước khi viết phải Google tên địa danh nên viết sao cho đúng. Trước giờ mặc định là Quy vì tần suất thấy nhiều hơn, đến khi đặt vé máy bay lại thấy là Qui. Vài dòng tìm hiểu được:
- Theo lịch sử thành lập vào năm 1602, lần đầu tiên địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Hơn 100 năm sau đó, tên gọi này được viết bằng chữ Quốc Ngữ là Quinhin/Quinhon sử dụng trong thời Pháp thuộc.
- Mấy trăm năm sau đó mạnh ai nấy giữ Quy hoặc Qui, rồi không biết căn nguyên nào dẫn đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2004 ban hành bảng danh mục & mã số các đơn vị hành chính là Qui Nhơn.
- Mãi đến năm 2020 UBND tỉnh Bình Định kiên quyết đề nghị các Bộ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh tên gọi thành phố Qui Nhơn thành Quy Nhơn.
–> Kiến nghị này vẫn chưa được phê duyệt, giờ vẫn mạnh ai nấy dùng, hàng không thì vẫn là Qui còn đường bộ thì vẫn là Quy. Riêng mình sẽ thích tên gọi Quy Nhơn hơn với ý nghĩa “mảnh đất quy tụ nhơn tài”, theo bài thuyết minh lịch sử – địa lý – con người hết sức tâm huyết của anh HDV xứ Nẫu.
Lịch sử tên gọi thôi đã thấy vòng vèo như mấy khúc cua đường biển nơi đây. Năm 2017 lần đầu đặt chân đến Quy Nhơn, chỉ mới đi cung đường chục km từ thành phố xuống bãi biển gần nhất phía Nam đã ngỡ ngàng sao đẹp vậy. Năm 2020 quay lại Quy Nhơn và chóng vánh ghé Phú Yên, trời còn đẹp dữ nữa. Năm 2021 ghé lại cả Quy Nhơn và Phú Yên một ngày mùa đông (xin nhắc lại, mùa đông, chưa phải xuân hè rực rỡ nhất), hú hồn vẫn đẹp ác liệt. Nhìn lại bản đồ hành chính Việt Nam muốn vỗ đùi cái chát, cha mạ ơi đẹp phại rồi, phại đẹp thôi! Quy Nhơn – Phú Yên, dải đất can trường chường ra biển Đông nhiều nhất Việt Nam, đón đầu mọi loại giông bão. Nước biển nguyên chất 100% không pha phù sa, hỏi sao lại biếc xanh trong vắt!
Như quy luật của đa số biển đảo Đông Nam Á, đẹp nhất vẫn là mùa khô xuân hè, trời càng nắng biển càng rực rỡ. Lý tưởng nhất là ngay sau tết, khi mùa khô chỉ mới đến, chưa kịp gắt gỏng. Đến tháng 6 DL vẫn còn đi được nha (chuyến đầu tiên của mình), chưa quá mưa. Kiêng kị tháng 6 – 7 AL mùa gió Lào, sau đó là mùa mưa bão. Mùa đông (theo tiết trời, không phải theo dương lịch) đến Quy Nhơn cũng là một trải nghiệm thú vị (chuyến này của mình), cảm tưởng như đi Đà Lạt tắm biển, mỗi tội hơi hên xui mưa gió, mây đen có khi xầm xì cả ngày, nói chung là tùy duyên, tùy ăn ở.
MƠ KHÁCH ĐƯỜNG XA, KHÁCH ĐƯỜNG XA…
Quy Nhơn quả thật…..hơi xa để men theo đường bộ, gần 650km tương đương 13 giờ xe chạy không ngơi nghỉ. Vậy nên phương tiện tốt nhất là tàu hỏa nhanh nếu thích ngắm cảnh, hoặc máy bay cho tiết kiệm thời gian, chỉ chừng 5 – 6 trăm ngàn các chuyến không cao điểm (cách đây 5 năm mình bay giá gấp đôi, giờ quá rẻ rồi). Từ sân bay có thể đi bus 30 chỗ sạch sẽ thoáng mát 50k/người về trung tâm, hoặc đi limousine 100k/người về thẳng khách sạn, hoặc taxi 4 chỗ 200k/xe vẫn hợp lí cho quãng đường 35km (35 – 50 phút di chuyển, tùy phương tiện).
Nha Trang xô bồ bao nhiêu thì Quy Nhơn yên bình bấy nhiêu. Vẫn con đường biển “đặc trưng” xuyên lòng thành phố nhưng số lượng khách sạn chọc trời đếm gọn lỏn trong 10 ngón tay. Mặt tiền view biển hẳn hoi đa số vẫn là nhà dân, thủng thẳng ở như chưa hề có cuộc nao núng xa hoa. Lọt chọt trên con đường ấy, chường ra sát biển chừng dăm ba cái khách sạn lâu đời, nghe đâu sắp di dời trả lại bờ biển. Trung tâm thành phố Quy Nhơn chắc phải bé bằng….một cái quận Sài Gòn, ngang dọc xíu là hết. Loanh quanh thành phố nếu không thuê xe máy thì cứ mạnh dạn lên hẳn taxi, một lần lên xuống chừng 2 3 chục ngàn, có vẻ rẻ hơn cả Grab vì Grab ở đây còn mỏng, bắt được xe đi có khi chả bắt được xe về.
Khách đến Quy Nhơn có 3 lựa chọn chính để dừng chân:
- Phía Bắc có FLC khu tổ hợp resort vườn thú mọi thể loại. Tiện để nghỉ dưỡng vui chơi nội bộ và tiện ra Eo Gió – Kỳ Co, mỗi tội cách trung tâm chừng 20km. Thật ra trung tâm Quy Nhơn cũng không thuộc kiểu ăn chơi ồn ã nên FLC vẫn là một lựa chọn để cân nhắc, nghe đồn mỗi ngày có vài chuyến bus về trung tâm, hiện đang bán voucher combo ầm ầm.
- Trung tâm với số lượng khách sạn khiêm tốn so với nhiều thành phố biển. Mới nhất, đẹp theo kiểu sang trọng hiện đại, tầm 1tr2 – 1tr5 có thể ở ngon lành thì đáng cân nhắc Fleur De Lys, mình đi ngay dịp khai trương. Ở phòng Executive Deluxe hướng biển thôi đã phê lòi với cửa sổ lớn nhìn thẳng ra biển, đón bình minh full HD không che. Có hồ bơi nhưng lại nằm tầng trệt trong nhà, nom như hồ nước làm cảnh hơn.
- Phía Nam khu vực bãi Xép cách trung tâm hơn chục km, vẫn dễ dàng di chuyển, tối hơi nhiều xe tải xíu vì nằm trên tuyến đường Quy Nhơn – Tây Nguyên. Nhiều eo biển đẹp, quy tụ nhiều resort 4 – 5 sao cao cấp, thấy đương xây thêm nữa. Lúa có hạn, mình chỉ đi Mira Bãi Xép cạnh bên, ở tầng cao view eo biển vẫn đẹp xỉu up xỉu down. Lưu ý là phòng thực tế nhỏ hơn ấn tượng hình ảnh trên fanpage nha. Không phải do ks ăn gian nói dối mà là thợ chụp ảnh quá pro! Ks nằm trong con hẻm hải sản nên ăn uống thả ga.
GIÓ THEO LỐI GIÓ, MÂY ĐƯỜNG MÂY
Khách đường xa về chơi Quy Nhơn chừng 3 – 4 đêm là đẹp. Cả tuần cũng được luôn khách ơi vì còn Phú Yên sát bên nữa! Mình đã 3 chuyến gió mây mà vẫn chưa đi hết mảnh đất này. Những chuyến đi trước chủ yếu tận hưởng không chụp choẹt nhiều nên phần lớn mình sẽ dùng ảnh có sẵn trên internet gần nhất với thực tế cho mọi người tham khảo nghen.
QUY NHƠN:
Kỳ Co – Eo Gió: thường bán tour 1 ngày, sáng ra đảo Kỳ Co tắm lặn, chiều về Eo Gió chụp ảnh, ghé Tịnh Xá sát bên vái Phật nữa nhe.
Năm 2017 mình đi Kỳ Co, lo ngụp lặn bì bõm chả có cái ảnh nào. Nếu có nơi nào trong xanh để cạnh tranh với biển đảo Philippines thì mình sẽ vote Lý Sơn (Quảng Ngãi) & Kỳ Co.
Còn Eo Gió, đi để thôi xuýt xoa eo biển Đài Bắc nha, đẹp chẳng kém.
Bãi Rạng (dưới Bãi Xép), còn hoang sơ với 2 3 quán nước có ghế có võng. Điểm nhấn là bãi đá chụp ảnh siêu đẹp.
Hòn Khô – đảo san hô, còn đường xuyên biển (vẫn chưa đi huhu, ảnh Internet).
Cù Lao Xanh (vẫn chưa đi huhu, ảnh Internet).
Ghềnh Ráng – Tiên Sa với bãi Hoàng Hậu, bãi đá trứng cách trung tâm chừng 7km.
Các đầm hải sản & bãi tắm thiên nhiên còn chưa được khai thác du lịch dọc bờ biển và nhiều di tích lịch sử khác như thành Đồ Bàn, tháp Chàm.
Ban đêm thì đừng hỏi mình chơi gì nha. Tốt nhất là cứ ăn uống, đi dạo thong dong, về ngủ sớm dưỡng sức mai đi tiếp. Quán cafe checkin sống ảo cũng không nhiều, concept thì có mỗi 1990 style retro có hát acoustic buổi tối. Surf bar sẽ luôn được nhắc đến trong tìm kiếm nhưng đến quán chụp ảnh view biển thôi chứ đừng trông đợi nhiều vào thức uống, đặc biệt đừng bao giờ uống trà sữa siêu ngọt lịm ngắt ngư ở đây nha.
PHÚ YÊN:
Ghềnh đá đĩa
Bãi Xép, phim trường không có hoa vàng và cỏ cũng không xanh lắm, nhưng biển bên dưới vẫn đẹp
Đảo Điệp Sơn & con đường xuyên biển (vẫn chưa đi huhu, ảnh Internet).
Mũi Điện cực Đông đón bình minh (vẫn chưa đi huhu, ảnh Internet).
Nhà thờ, chùa cùng các đầm, hòn, bãi…, cảnh sắc nào cũng có. Đi ngắn ngày có thể dừng chân chính ở Quy Nhơn, xẹt 1 ngày ra Phú Yên. Đi dài ngày thì ở cả Quy Nhơn lẫn Phú Yên để thăm thú được nhiều nơi. Có thể tham khảo Quy Nhơn Tourist nha, chuyến rồi mình đi tour 1 ngày ra Phú Yên 690k/người khá hài lòng, HDV rất nhiệt tình, ăn uống cũng ổn.
AI BIẾT TÌNH AI CÓ ĐẬM ĐÀ
Đồ rằng cái tình Quy Nhơn – Phú Yên rất đậm đà, ít nhất là qua những món ăn.
Ăn chơi lê la:
Bánh mì chấm xíu mại (Hình Internet)
Bánh xèo tôm nhảy (mình ăn ở quán Rau Mầm trên đường đi Eo Gió về lại trung tâm, siêu rẻ siêu ngon chỉ 25k/chiếc so với trong trung tâm 30k)
Chả ram tôm đất (cùng quán Rau Mầm, 50k cho dĩa 10 chiếc)
Phố ốc đêm Ngọc Hân Công Chúa (đồng giá 25k/dĩa trừ tôm ghẹ, chế biến mình thấy bình thường, chắc không nơi nào qua nổi Sài Gòn)
Ăn cho chắc bụng:
Bún cá, sứa trộn (đi 3 lần chỉ ăn quán Ngọc Liên, 30k/tô to hơn cái mặt, mẹ mình siêu nhạy cảm bột ngọt hì hụp ăn vẫn ok)
Bánh canh chả cá bà O (hình trên Internet)
Gà chỉ cơm lam (Trên đường đi Bãi Xép. Hình trên Internet)
Chim mía (Nhỏ hơn chim cút, chiên giòn, có thể ăn cả con. Hình trên Internet)
Mua gì làm quà
Ché Bình Định, bánh ít lá gai, bánh tráng sữa khoai lang (ăn không thì dẻo, nướng lên thì giòn). Mẹ mình mua tất cả mọi thứ ở quán bún cá Ngọc Liên luôn, ăn ngon, giá cả phải chăng.
LỜI KẾT
Quy Nhơn – Phú Yên không chỉ rực rỡ về cảnh sắc mà còn êm ả, chân phương trong nhịp sống và con người. Như lời một người con Bình Định – nơi đây đẹp quá nhưng ít ai dám đầu tư, vì rủi ro về thiên tai quá cao. Âu cũng nhờ vậy, mà dải đất này vẫn còn đẹp nguyên sơ không cần son phấn – một dải đất nên thơ, không hẹn mà gặp của Bàn Thành Tứ Hữu (4 người bạn thơ thành Đồ Bàn), của những nhà thơ tài hoa bậc nhất Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan… Ai sao không biết, chứ mình thích Quy Nhơn hơn cả Đà Nẵng hay Phú Quốc nữa, nếu chọn là nơi dừng chân sau những ồn ã bộn bề.
Hẳn mọi người đều biết những câu thơ đầu đoạn. Quy Nhơn là nơi nằm lại của Hàn Mặc Tử. Kết lại bằng một bài thơ khác của ông, bài thơ thách thức mọi cách đọc xuôi đọc ngược vẫn nguyên ý nghĩa:
“Bèo trôi nước giợn sóng mênh mông
Cỏ mọc bờ xa bóng liễu trông
Chèo vững thiếp qua vời khổ hải
Chí bền chàng đến vận trung không
Theo lần nguyệt xế mây mờ mịt
Hoạ đáp thông reo trống não nồng
Neo thả biết đâu nơi định trước
Bèo trôi nước giợn sóng mênh mông”
(Đi Thuyền – Hàn Mặc Tử)