30’s thoughts – CỐ GẮNG ĐẾN BAO GIỜ THÌ ĐỦ?

Lần đầu biết đến khái niệm cố gắng chắc tầm cấp 2, nó được sinh ra từ nỗi sợ. Cấp 2 là lúc bắt đầu học thật sự, bắt đầu thấy nhiều “kẻ thù trên đường đua”, bắt đầu thấy mình không phải giỏi nhất, nên phải cố gắng học vì sợ. Sợ bị điểm kém, sợ không thi chuyển cấp đậu vào trường công ba mẹ sẽ không đủ tiền lo cho đi học nữa, và thế là hết. Đơn giản vậy thôi, vì sợ nên cố gắng. Cũng không quá vất vả, cố gắng để điểm trên 8 thì là đủ.

Sự cố gắng bị đuổi đi năm 18 tuổi. Cú twist đầu tiên của cuộc đời, ngơ ngác ngỡ ngàng bật ngửa. Tâm trí chìm xuống một bãi nước sâu, đặc quánh. Suy nghĩ còn khó, huống chi là bắt bản thân phải cố gắng. Nhưng mấy tháng trời đầu óc lơ mơ, sống dấm dớ ấy lại chạm đến những thứ không tưởng. Chả học gì thì thi được thủ khoa, lại còn có người yêu nữa. Đời rõ ràng đang dạy bài học đầu tiên là có những thứ cố gắng mấy cũng vỡ tan tành, và có những thứ không cần cố gắng cũng tự nhiên đến. ĐM đời, vì sao phải cố gắng.

Sự cố gắng bị lôi về sau cú K.O của cuộc đời, rất nhanh sau đó. Khi không còn nhà để về, không còn tiền trong túi, không còn gì đảm bảo ngày mai sẽ như thế nào, ờ thì bản năng phải cố gắng để tồn tại trước đã. Mọi sự cố gắng quy hết ra tiền. Cố gắng kiếm đủ tiền ở thuê, đủ tiền ăn, đủ tiền học, tháng nào tính tháng đó. Ngoài mùi tiền thì trong sự cố gắng còn trộn lẫn nhiều thứ hỗn độn khác như là tức giận, căm ghét, thù hằn. Chắc nó phải có màu đỏ bầm tích tụ lâu ngày. Cố gắng đến khi học xong, ra trường, có việc có lương tháng, có cái-gì-đó-gọi-là-đảm-bảo, thì chắc là đủ.

Ai ngờ cái sự đủ ấy kéo suốt tuổi hai mươi (hello cố gắng, bất ngờ chưa bà dà!). Đã ngồi đủ lâu trong bóng tối dưới đáy vực để biết rằng mình cứ ngồi im như thế thì chỉ có chết (đói) chứ chẳng có phép màu nào xảy ra hết. Đã ý thức sâu sắc được rằng đôi tay này sẽ phải tự bám tự bò chứ chẳng có bàn tay nào đủ sức lôi mình lên đâu. Không một ai, không bất kỳ ai, có thể thay đổi được cuộc đời này, ngoài bản thân mình. Vì vậy cố gắng không còn là sự lựa chọn. Cố gắng là lẽ dĩ nhiên. Cố gắng trở thành sự sống. Cố gắng ăn vào máu đâm nghiện. Cố gắng bị kích thích phải cố gắng hơn nữa khi thấy kết quả. Có dạo không làm gì khác ngoài làm việc kiếm tiền, không đóng máy trước 9h tối, không nghỉ cuối tuần. Vì chưa khi nào thấy đủ, vì phải chứng minh cho cuộc đời rằng tao không chỉ lấy lại bằng hết những gì từng mất, mà phải hơn thế nữa! Như lời một người anh động viên hồi lâu rồi: “Khi khó khăn anh tự bảo mình try until die. Em cứ cố gắng đi, có ai cố gắng mà chết được đâu.” Suốt những năm tháng đó, không phải sự cố gắng bị thử thách, mà chính mình thách thức sự cố gắng. Càng bất thành, càng cố gắng. Thất bại một lần, cố gắng gấp đôi. Cố gắng không bao giờ là đủ.

Đang hừng hực vậy mà cái sự cố gắng suýt chết trẻ năm 28 tuổi. Chạm đến ước nguyện lớn nhất trong đời khiến người ta tự vấn hay mình dừng ở đây thôi, biết đủ là đủ. Khi vừa bước qua một chương quá dài quá mệt của cuộc đời, người ta ngần ngại đi thêm một chương đằng đẵng như vậy nữa. Cần ngồi nghỉ mệt, hít thở, lấy lại sức đã. Mình đã mua được nhà, vậy giờ mình cần tiếp tục cố gắng để mua thêm căn nữa, mua xe hơi, hay sao? Ừ thì sẽ không mua nhiều nhà hơn mình cần đâu, vậy giờ cần điều gì tiếp nhỉ? Cuối những năm đôi mươi, chới với một quãng mới nhận ra: sự cố gắng có thể được tưới tắm, nuôi dưỡng bởi khó khăn thử thách, nhưng nó cần phải được sinh ra từ một lẽ sống nào đó trước đã! Và điều đó phải đúng thì sự cố gắng mới chắc bền, để không phải quay lại hỏi bản thân vì sao phải cố gắng đến thế này mỗi khi mỏi mệt. Sự cố gắng của tuổi đôi mươi đã đi trọn vòng đời của nó, đã được đền đáp. Còn từ giờ, thử thách thật sự của sự cố gắng là khi ta không tìm được lí do cho nó được tái sinh.

Khi 30 tuổi, tất cả những gì mình biết là hai mươi mấy năm qua, mình đã sống chỉ để phản ứng với số mệnh, với mọi thứ được ném vào đời mình, với câu hỏi “cố gắng đến bao giờ thì đủ”. Tuổi 30 sẽ nhún vai trả lời: Dễ ợt, cố gắng đến khi đạt được ước nguyện thì đủ. Không cần hỏi phải cố gắng đến bao giờ, mà hãy hỏi ước nguyện đó còn đúng không. Cuộc sống cá nhân như chỉ thật sự bắt đầu sau những năm đôi mươi. Tự do vẽ nên cuộc đời mình muốn, không tại bị thì là hoàn cảnh bắt ép nữa. Qua rồi câu hỏi “cố gắng đến bao giờ thì đủ”, chào mừng đến với câu hỏi mới: Lẽ sống tiếp theo để sự cố gắng được tái sinh sẽ là gì?

Hòm hòm bản thân cũng có vài ý nghĩ rồi đấy nhưng chưa dám chắc – đó là việc phải làm của những năm tiếp theo. Mình chỉ tin rằng: nếu cho bản thân một không gian đủ tĩnh lặng trong một thời gian đủ lâu, nó sẽ lại tự có câu trả lời. Trước giờ tất cả câu trả lời của cuộc đời mình đều không nằm ở bên ngoài, mà đều từ bên trong đi ra.