BETTER DAYS – cho những ngày tươi sáng hơn, mãi sau này

“Sau này em muốn làm gì?
Học tập, tốt nghiệp, vào một môi trường thật tốt, muốn trở thành người thông minh nhất, nếu như có thể thì bảo vệ thế giới này.
Em sẽ làm được chứ?
Em muốn thử và cố gắng.
Được. Vậy em bảo vệ thế giới đi. Tôi sẽ bảo vệ em”

Lúc tình cờ xem qua trailer BETTER DAYS trên mạng, mình đã nghĩ: chắc chắn phải xem. Đơn giản vì có Châu Đông Vũ, khuôn mặt điện ảnh đầy khả ái, nhất là từ sau phim “Chúng Ta Của Sau Này” rình rang năm ngoái. Rồi lại tình cờ ra rạp xem đúng lúc phim vừa được duyệt chiếu, lại càng không biết sự tình phim từng bị dừng 03 ngày trước khi công chiếu và dời lịch nhiều lần suốt gần nửa năm qua. Ấy vậy mà khi bộ phim trở lại, chỉ ngắn gọn kiểu “3 ngày nữa được chiếu rồi nha” với truyền thông và ẵm trọn kỉ lục doanh thu 3 ngày công chiếu của Đại Lục. Hẳn rồi! Với mình, đây chính là bộ phim hay nhất mình được xem suốt 2 3 năm đổ lại đây (mà, thậm chí mình còn chưa nhớ ra phim nào vừa bị soán ngôi xuống vị trí thứ 2?)

Có quá nhiều điều chồng chất trong một thời lượng 120 phút, quá nhiều xúc cảm được đẩy đến tận cùng, quá nhiều khía cạnh để người ta bức bối suy nghĩ sau đó – cho một bộ phim bối cảnh học đường, nói về những đứa trẻ 18 tuổi. Lúc xem trailer mình đã biết là phim sẽ buồn, nhưng thật sự không nghĩ rằng bộ phim có thể buồn ngay từ phút thứ 10 như vậy, quá nhiều sự nghẹt thở đến như vậy. Dồn dập, xuyên suốt, không cần chờ đến cấu trúc climax điện ảnh thường thấy.

Những dòng sau này có tiết lộ một số chi tiết và lời thoại của bộ phim.

Đầu tiên là sự trưởng thành đau thương, cô độc.


“Chỉ một lần lớn lên, cần bao sức lực để đấu tranh” – Trích lời nhạc phim.

Đời người có thể trưởng thành nhiều lần, vấp ngã nhiều lần, đau nhiều lần. Nhưng cái vấp ngã và nỗi đau ngay ngưỡng đó, ngay cái lúc đáng lẽ người ta có thể hát “ngày vừa 20 em ùa vào đời, đời vừa 20 xanh lạ”, là một vết sẹo rất dài, rất dài, nằm mãi trong tâm trí. Bao nhiêu nỗ lực xóa sạch kí ức buồn thương suốt 10 năm qua của mình, bộ phim kéo về trong vòng 10 phút. Trần Niệm lủi thủi tự đi về sau giờ tan trường, lủi thủi về nhà, tự sống một mình, tự học một mình, với một niềm tin bất diệt, một niềm hy vọng tuyệt đối vào sự đổi thay to lớn mà học hành có thể mang đến. Mình lại thấy mình những đêm cô độc, chẳng biết làm gì, chỉ biết chong đèn lôi hết bài vở ra làm ra học. Chỉ biết vục mặt vào học, thi. Vì không như thế, thì biết phải làm gì bây giờ nữa. Không như thế, thì ai sẽ cứu lấy mình, kéo mình lên khỏi chiếc hố sâu này. Mình lại thấy những chuỗi ngày lớn lên một mình trong nước mắt. Ngủ một mình ở những nơi xa lạ. Có học tốt, thi tốt, cũng không có ai để mà khoe. Đi mãi, đi mãi, cũng chẳng có ai đồng hành, hay che chở. Trần Niệm không có mẹ bên cạnh, ở giữa một kì thi, ở giữa một thời đoạn chưa kịp lớn mà đã bị đẩy ra với đời. Em không một lời oán trách mẹ, dù đã khóc rất nhiều, dù mẹ không ở bên em vì đã bất chấp lao ra đời kiếm tiền nuôi em ăn học. Những gia đình, những người cha, người mẹ, và những người con như thế, ai cũng đau khổ, ai cũng mất mát, ai cũng đáng thương. Lần đầu tiên trong đời có một bộ phim khiến mình ngồi khóc từ đầu đến cuối. Ra khỏi rạp nghẹn ngào vẫn còn khóc. Tối về nằm suy nghĩ lại khóc tiếp. Sáng hôm sau ngủ dậy vẫn rơm rớm. Cũng có thể phần lớn mọi người đi xem sẽ không tới mức tự kỉ như vậy. Nhưng mình tin, bất kì đứa trẻ nào đã và đang đau đớn ở cái tuổi đó, hay đã và đang vật lộn lớn lên một mình ở ngưỡng cửa cuộc đời, sẽ phải khóc rất nhiều khi xem bộ phim, rồi sẽ khóc rất nhiều sau đó khi nhớ về những gì bản thân đã từng đi qua.


“Thi tốt nghiệp xong là mình trở thành người lớn. Nhưng không ai dạy phải trở thành người lớn như thế nào”. “Lớn lên giống như chạy xe vậy. Em phải leo lên đó, cứ thế mà chạy thôi. Em sẽ vấp ngã, nhưng đó là cái cách mà chúng ta lớn lên” – Trích lời thoại.

Mình cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi về những gì đã trải qua, và về điều này. Lần đầu tiên mình thật sự cảm thấy áp lực, choáng ngợp, cảm thấy việc sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ là quá khó khăn. Có cách nào để không đi lên vết xe đổ đó. Có cách nào để chuẩn bị cho đứa trẻ trước cuộc đời xám đen chứ không phải màu hồng. Có cách nào để đứa trẻ lớn lên và hiểu rằng mình cần phải sống tốt hơn là cần những công thức, bài vở, kì thi… Khi nào mình còn chưa nghĩ được câu trả lời, khi ấy mình vẫn chưa sẵn sàng để làm mẹ…

Kế đó là tình yêu – tình yêu và sự chở che vĩ đại, đôi khi nằm ở phía sau mình.

“Em bước phía trước, tôi ở phía sau, đừng sợ. Em bảo vệ thế giới đi, còn tôi bảo vệ em.” – Trích nhạc phim.

Xuyên suốt bộ phim là tình yêu. Hai nhân vật chính chưa hề nắm tay nhau sánh bước cùng nhau. Luôn là một người đi trước, một người lặng lẽ theo sau. Một người ở bên này, một người ở làn đường khác, ở làn thang máy khác. Một đoạn nọ: qua ngã tư, cô gái vội chạy nhanh sang đường để kịp đèn xanh; chàng trai có chút ngỡ ngàng rồi dừng lại ở đèn đỏ. Một đoạn khác: cô gái tung tăng bước giữa con đường ngập nắng; còn chàng trai dừng chân ngay trước vệt nắng, lùi lại một bước, đứng lại trong phía tối hơn. Hai nhân vật chính đều cho nhau một cái tát, nhưng tự bản thân mình đều đau đớn hơn gấp nhiều lần.


Hai viên cảnh sát nói với nhau: “Ai lại có thể hy sinh bản thân mình cho người khác như thế chứ? Tôi với cô thì không, nhưng chúng thì có thể. Chúng còn quá trẻ.” Một tình yêu con trẻ, nhưng không hề đơn giản. Dường như càng lớn người ta càng phức tạp, còn tình yêu lại giản đơn đi?

Xuyên suốt bộ phim là tình yêu. Một tình yêu sâu sắc, dù hai nhân vật chính không nói bất kì lời yêu thương nào với nhau. Một sự bảo bọc, chở che với tất cả trái tim, dù trong thinh lặng, dù cách biệt, dù chỉ từ phía sau. Một tình yêu hy sinh to lớn: “Con người tôi đã chẳng là ai, cuộc đời tôi đã chẳng có gì rồi. Em hãy mau chiến thắng được không, như vậy tôi mới không thua cuộc.”

  • Tiểu Bắc kể ngắn gọn những gì xảy ra với một cô gái lạ. Khuôn mặt bất động, ánh mắt dán lên trần, chỉ có dòng nước khẽ khàng chảy xuống gối. Mình đã quá quen với cảnh tượng đó, khi phải kể cho ai đó nghe về biến cố đời mình. Luôn là một kiểu ờ nó đã xảy ra như vậy đó, cũng chả gì, nhưng rồi nước mắt lại chảy ra. Dù câu chuyện có được vắn tắt lại thế nào, kể ra bao nhiêu lần, thì nước mắt vẫn luôn sẵn ở đâu đó để chảy ra như thế.
  • “Em là người đầu tiên hỏi tôi rằng có đau không”. Sau câu đó, Tiểu Bắc nằm qua lưng lại, co mình, bó gối, cánh tay choàng qua trước trán, nước mắt chảy ra. Đó là cách người ta hay nằm khi người ta đau buồn. Đó là dáng nằm của sự cô đơn. Dáng nằm mà mình thấy rất thương, rất muốn ôm, vì mình đã từng nằm như thế, tự ôm lấy tất cả cô độc và mong ước của bản thân, rất nhiều đêm dài. Em thương anh từ bao giờ? – anh nhà mình từng hỏi. Có lẽ là từ lúc anh kể hồi xưa anh hay nằm ngủ một mình trên gác nhỏ. Chẳng hiểu sao mình lại hình dung ra anh đã từng nằm như thế, rồi thấy thương. Cái đêm anh ngỏ lời mà mình ậm ờ chẳng nói, anh cũng nằm quay lưng lại như thế. Rồi mình cũng thấy thương, nên xoay qua ôm cho cái, để mang tiếng tới giờ là “em ôm anh trước, em dê anh trước” T.T
  • Tiểu Bắc nói anh không hiểu, học hành không có ích lợi gì cho anh. Nhưng Tiểu Bắc dừng trước trang sách, đọc câu “We are in the gutter. But some of us are looking at the star.” Rồi anh nhìn Trần Niệm. Sau đó, anh hỏi đám bạn đại học có giúp người ta sống được không, kiếm được bao nhiêu.
  • Trần Niệm ngồi đợi Tiểu Bắc trước cửa nhà; khi Tiểu Bắc vừa về đến, Trần Niệm ngẩng lên với khuôn mặt tèm nhem, chiếc mũi ửng đỏ và đôi mắt ầng ậng nước. Khi Tiểu Bắc xem đoạn clip Trần Niệm bị hành hung, dù cả người vẫn thản nhiên, khuôn mặt vẫn ngay đơ, nhưng nước dần ngấn lên trong mắt. Bộ phim có nhiều những đôi mắt ầng ậng nước như thế. Rất nhiều sự nhạy cảm và tinh tế của người làm phim để truyền tải cái trạng thái rất nhanh chỉ trong vài giây của sống mũi cay cay chuyển lên cho đôi mắt sắp khóc




Mình thích cách bộ phim kể về tình yêu. Không chỉ qua câu chuyện, lời thoại, mà còn qua nhiều chi tiết rất nhỏ, tinh tế, với rất nhiều sự chân thành.

Cuối cùng là nội dung chủ đạo bộ phim, bạo lực học đường.

  • Tớ đã chịu bắt nạt quá lâu rồi. Các cậu đều biết, mà sao không một ai trong số các cậu lên tiếng bảo vệ tớ… – lời cuối cùng của cô gái nhỏ
  • Thầy muốn em phải nhớ và tin rằng, em đã làm một việc đúng. Mọi thứ từ giờ có thể sẽ trở nên rất tồi tệ, nhưng rồi em cũng sẽ tìm thấy ánh sáng phía cuối. Quan trọng nhất là em phải tin rằng mình đã làm đúng. – lời của người thầy sau khi sự việc được tố cáo
  • Hồi xưa chú mày bắt nạn người khác à? Không! À vậy thì là bị bắt nạt. – lời của hai anh cảnh sát nói với nhau

Hồi mẫu giáo, có dạo mẹ để ý thấy tay chân mình có nhiều vết bầm. Gằng hỏi mãi thì mình mới nói là giờ ngủ trưa có nhỏ kia canh cô đi vắng cứ hay bò qua ngắt nhéo mình. Mẹ đùa, trời ơi sao không nói sao hiền quá vậy, mốt đứa nào bắt nạt mình thì cứ đánh nó lại đi chứ. Thế là ngay hôm sau mẹ được mời lên trường vì con gái vô lớp tát thẳng mặt đứa đó (trời ơi toy không nhớ lúc đó toy nghĩ gì).

Phải dạy con làm gì trong những góc bạo lực ở trường học? Phải dạy con thế nào về cả sự lương thiện và đấu tranh? Phải dạy con thế nào để trưởng thành và lớn lên? Tất cả câu hỏi đó cứ xoay mãi trong đầu, và mình thật chưa có câu trả lời. Trong đầu chỉ vang lên câu thoại “Have courage, and be kind” – lời người mẹ quá cố của Cinderella. Cần rất nhiều dũng cảm để nói ra, để đấu tranh đến cùng, và kiên quyết đứng về lẽ phải. Và cũng cần rất nhiều sự tử tế – một mức chịu đựng rất cao hơn nữa của trái tim. Để không tát lại bạn, không mách dù biết bạn đang trốn trong chiếc thùng rác ngay bên, hay không tức nước vỡ bờ mà đẩy bạn một cú từ trên cao… Vì chỉ cần một cơn giận bùng phát thôi, là mình cũng có thể vượt qua ranh giới đạo đức mà chính mình đang muốn bảo vệ rồi…

————————————————-

P/S một chút về diễn viên nam chính. Mình đã rất ngỡ ngàng khi search về cậu ta sau bộ phim, không ngờ đằng sau vai diễn gai góc ấy là một cậu bé chỉ mới 19 tuổi, với hình ảnh bên ngoài gần như khác 100% so với bộ phim. Rồi mình cũng xem nhiều clip hậu trường / clip của đoàn phim về cậu bé này, tài năng thiên bẩm về cảm xúc cũng như sự cố gắng của cậu. Câu chuyện về cuộc đời của cậu bé cũng hay ho nữa, nổi tiếng từ hồi 9, 10 tuổi, lớn lên trong nhiều kỳ vọng và mệt nhoài. Và dường như cậu đang đặt những bước chân đầu tiên trên con đường tìm thấy chính mình với điện ảnh. Chúc mừng vai diễn đầu tiên, xuất sắc!