Hôm qua sau khi xem xong, bạn nam nhà mình đã hỏi 1 câu thế này: “Em nghĩ sao về hành động tự đi biên thư thách đấu/nhận lời dùm chồng của người vợ?”
Lúc đó đang trên đường đi trốn, gió tạt mặt ào ào, nên chỉ ừ hử à không ưng lắm, chưa kịp giải thích dài dòng văn tự. Chứ thú thật là: lúc người vợ hỏi DV có đi thi đấu không nếu bả không bệnh, rồi ổng nói có, mình đã chưng hửng! Ủa, sao có gì đó sai sai!
Mình không biết (và cũng không quan tâm) trong võ thuật người ta coi trọng & luận bàn thế nào về chuyện phân cao thấp, chính thống abcd. Mình chỉ kịp nghĩ rằng, với tư cách là người của nửa kia thế giới, nếu như ông chồng bảo “không” thì mình sẽ ưng lắm, và chắc chắn là mình sẽ không bao giờ đi biên thư thách đấu/nhận lời thi đấu dùm chồng.
Một là cái chuyện ưng. Với mình, câu trả lời “không” mới thật sự chứng tỏ sự thay đổi nào đó bên trong người đàn ông này – khi người cạnh bên của ổng còn sống không bao lâu nữa. Một sự thay đổi từ trái tim, chứ không phải từ lí trí. Rằng ổng thật sự thấy thế và làm thế, chứ không phải số ngày vợ ổng còn sống bảo ổng nên làm thế. Vì mặt khác mình thấy: chuyện không (thèm) thi đấu & chuyện không đấu mà thắng – được vạn người công nhận nhưng 1 người không công nhận đã tự thân mang sẵn giá trị của nó. Chuyện người đàn ông kia hằng ngày ngó lên tấm bảng khổng lồ mà chưa 1 lần được đấu và được thắng với địch thủ của mình đã là 1 sự ám ảnh tinh thần – vì rõ ổng tuy háo thắng nhưng cũng hiểu chuyện, ổng có khả năng tự thấy thế. Thế nên cả 2 có đấu cùng nhau thì cũng đẹp thôi, nhưng mình ước nó ở 1 hoàn cảnh khác!
Hai là cái chuyện biên thư. Lúc đó, tự dưng chạy ngang đầu mình là viễn cảnh 1 ngày không mấy đẹp trời trong tương lai, bạn nam nhà mình đòi đi phượt một chuyến thật nguy. Dù đó có là chuyến phượt tâm huyết cả đời, nhưng nếu mình thấy được phần trăm nào đó hắn không về hoặc về không lành lặn, mình sẽ không đời nào để hắn đi. Nói cách khác, mình ước hắn đừng bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh đó – khi đã là vợ chồng. Vì đã là vợ chồng, tự dưng bưng một người nữa gắn vào đời mình, thì phải bưng cả trách nhiệm và hy sinh. Trách nhiệm và hy sinh với mình là điều kiện đủ để có một cuộc hôn nhân đẹp. Là vì mình đã quyết định bưng một người nữa gắn vào đời mình, thì phải chịu trách nhiệm cho người đó, cho cả 2, cho quyết định đó của mình. Đẹp ở đây là đừng làm điều gì khiến người khác âu lo, cũng đừng đẩy họ vào tình thế dang dở. Nếu mình không tạo ra những hoàn cảnh éo le đó, họ sẽ không phải đau lòng quyết định. Còn tự do ư – nếu vẫn cần như nước như không khí thì đơn giản là đừng bước vào hôn nhân, cứ thế mà sống một mình cho khỏe. Hôn nhân chắc chắn là lấy đi tự do. Chỉ khi nào tự nguyện cắt đi một phần tự do của mình, hay chuyển nó sang dạng thức khác, thì hãy bước vào.
Ngoài lề đủ rồi, bơi lại vào phim. Với mình 2 khía cạnh đẹp nhất chính là:
– Người lớn làm gì, trẻ con trông vào cả đấy!
– Đoạn flashback cuối phim chắc chắn làm nữ nhi thường tình phải rung động.
– Cảnh DV cúi nhặt bịch thuốc dưới đất, nắm chặt tay vợ bước ra khỏi thang máy – đó là sự an toàn mà bất kì người phụ nữ nào cũng tìm kiếm. Tuy cư dân mạng đã kịp quote cho scene này là “when you just wanna go do what you enjoy but you can’t because of your wife (again)”, và mình chỉ muốn đạp vào mặt đứa đã quote lên câu đó, nguyền rủa nó không bao giờ có vợ suốt 8 tỷ năm tới. Ừa đúng rồi vợ không bao giờ cho đâu, không thích thì ở vậy một mình đi hén!
Ừ thì tóm lại có thời gian thì vẫn nên dẫn bạn kia đi xem. Tuy với mình hơi fail, vì mình ghiền đánh đấm võ thuật bao nhiêu thì bạn nam kế bên zựt mình xuống đất bấy nhiêu với mấy cảm thán kiểu như “sao không dùng súng bắn cho lẹ trời, sao hết gậy tới dao tới tay lâu quá vậy trời” =.=
Phonl CL
Ảnh: Internet