CHUYỆN BẦU BÌ
Trộm vía suốt thời gian bầu bì mình không nghén, đến khi sinh cũng không rạn bụng, sinh xong cũng không rụng tóc nhiều. Chia sẻ một số trải nghiệm để các mẹ tham khảo:
- Dầu gội: Từ lúc cấn bầu mình chuyển hẳn sang gội dầu thảo dược và không tác động bất kỳ điều gì lên tóc nữa, chỉ cắt ngắn lên khi sắp sinh thôi. Mình dùng dầu gội thảo dược của 1 tiệm Head Spa rất mê trên Đà Lạt (search Tiệm Tóc Cô Bi trên SP nhé). Thơm nhẹ, mượt tóc tự nhiên (sợi tóc mềm và dễ chải hơn, chứ không phải đắp silicone lên cho mượt nên khi xả nước sẽ thấy hơi rít nhẹ xíu chứ không phải trơn lùi nha), ít rụng tóc hẳn. Mình đã thử gội thảo dược này nhưng dùng thêm dầu xả FMCG bình thường thì rụng liền nha. Dầu gội này mình vẫn duy trì sau khi sinh đến nay luôn, chưa có ý định đổi.
- Sữa tắm: Mình không đổi sữa tắm khi bầu bì nhưng 1 tháng sau sinh mình có chuyển qua dùng cao tắm thảo dược (cùng brand với dầu gội luôn). Ban đầu mở nắp chai ra muốn “hự” luôn vì nó….rất thảo dược signature. Nhưng lỡ mua rồi nên tâm niệm thôi ráng tắm cho sạch sẽ, sạch khuẩn, sau một tuần thì….quen luôn. Lúc mới sinh người mình lúc nào cũng nhớm nháp mồ hôi và sữa nên tắm cái này thấy có vẻ hợp lí nên mình tắm hết chai trong 1 tháng đầu, sau đó chuyển lại sữa tắm thường.
- Dưỡng da: Từ lúc cấn bầu cái bụng chưa bự lên miếng nào mình đã thoa kem dưỡng bụng. Thoa hết cái bụng, xuống tới đùi và sau lưng luôn. Mình dùng 2 loại này mỗi ngày suốt 9 tháng:
- Bơ dưỡng thể Cocoon: texture dày, bám, nên tắm xong thoa cái này liền
- Sữa chua dưỡng thể The Body Shop: texture mỏng nhẹ mát, nên mỗi khi cần thoa dặm thêm (đầu ngày / cuối ngày…) mình dùng cái này
- Da mặt: Mình chỉ đổi kem chống nắng, hạn chế trang điểm nhiều, chủ yếu dưỡng da nhẹ
- Tập thể dục: RẤT QUAN TRỌNG NÓI LẠI 10 LẦN! Mỗi sáng mình đều tự tập 30-45f sau khi ngủ dậy, tập đều toàn thân từ giãn cơ, tay, chân, đùi,… (nói chung chỉ không gập bụng thôi). Mình tập tạ tay luôn vì muốn tăng sức cho 2 cánh tay yếu ớt để có thể ẵm em bé. Không tập thể dục là đau lưng không chịu nổi, càng đau lưng càng ráng tập thể dục thấy đỡ hẳn luôn á! Mình mix các động tác yêu thích / thấy phù hợp từ 2 channels này:
- https://www.youtube.com/watch?v=6ToV-Tox4t8&list=PLuKONUX_aCjH7NNjkX8uQA48zuBImo8v9&pp=iAQB
- https://www.youtube.com/watch?v=OBGkI55qTcs&list=PLrV_O6FJqRdtZHgfq_TuhlEobDMe7eg3-&pp=iAQB
- Ăn uống: Trộm vía mình không nghén cũng không cuồng bất kỳ cái gì nên ăn uống bình thường, chỉ là lượng tăng gấp rưỡi thôi. Có ăn sushi 2-3 lần, có ăn cơm gà rán, vẫn không bỏ được cà phê và trà sữa mà chỉ giảm lượng được thôi. Cũng có 1 lần trúng thực nhớ đời, lần đó ăn Bonchon T.T
- Spa: Mình mua gói bên Kawai, mua 15 buổi spa 75f tặng 5 buổi gội đầu 50f. Dịch vụ mọi thứ thấy cũng okela, có snack cho mẹ dùng trước và sau khi spa. Hồi đầu còn 1 tháng đi 1 lần, càng về sau thì 2 tuần đi 1 lần chứ đau lưng chịu không nổi.
- Khám thai: Review nhanh cho mẹ nào quan tâm khám ở Mỹ Đức:
- Quy trình tinh gọn:
+ Khám xong sẽ đặt lịch cho đợt khám tiếp theo, có thể track qua app, nhắc nhở qua SMS trước ngày tái khám
+ Đóng tiền 01 lần trước lúc khám (vì ngta biết quá rõ tuần thai đó khám cái gì rồi), làm hết các xét nghiệm rồi mới vào gặp bác sĩ, thay vì vào gặp bác sĩ rồi lại quay trở ra đóng tiền rồi đi làm xét nghiệm (như PSQTSG)
- Mình thường đặt khám ngày trong tuần vào slot sớm nhất lúc 7h sáng, có khi khám xong hết chỉ tầm 8h30, vẫn đủ thời gian chạy qua Q7 đi làm, đỡ mất công nghỉ 1 buổi để đi khám.
- Chi phí khám:
+ Tầm trung, không quá mắc (khám 350k với cơ sở vật chất hiện tại vs khám VIP của Từ Dũ 500k nhưng mọi thứ còn lại đều cũ xì). Trung bình 1 lần khám, siêu âm, thuốc bổ… hết 1tr1. Hôm nào xét nghiệm nhiều thì cỡ 2-3tr
+ Gía thuốc cũng chỉ chênh lệch vài nghìn đồng so với mua lẻ bên ngoài nhà thuốc
- Nói chung mình khá hài lòng về khám thai ở đây, chỉ tiếc là bv quá ít phòng & chỉ có 01 phòng 1 giường, nếu không mình cũng đẻ ở đây luôn cho rồi.
CHUYỆN ĐẺ
Chắc ít bà mẹ nào đổi ý liên tục như mình, đổi đi đổi lại giữa các bệnh viện đến tuần 35 mới chốt được chỗ đẻ.
1 vài lí do khiến mình chốt FV:
– Suốt thai kỳ mình khám ở Mỹ Đức nhưng không sinh ở đây vì tiêu chí hàng đầu là có / book được phòng 1 giường
– Nhà mình ở Tân Phú, lên AIH hay HP quá xa mà luôn sợ chạy k kịp nên cũng không chọn 2 chỗ này ngay từ đầu
– Mình cũng định cân nhắc sinh thương gia ở Từ Dũ nhưng say bye sau lần đi khám thử & nghe nhiều review tệ của các chị / bạn xung quanh
– Mình cũng cân nhắc Vinmec nhưng đi tư vấn thấy bạn sales không quá nhiệt tình, kèm thêm Vin không cho bên khác vào thực hiện dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn, mà dịch vụ của họ thì đắt gấp đôi so với viện truyền máu huyết học trung ương nên mình không chọn Vin dù rất tiếc đặc sản “đẻ không đau” như lời đồn
– Xong mình quay về PSQTSG thì ôi cùng 1 phân khúc giá với Vin nhưng cơ sở vật chất còn thua Tâm Anh / Mỹ Đức. Các phòng khám rất nhỏ, thấp, tối kiểu bệnh viện 1 ngàn 900 hồi đó. Có đợt mình được lên phòng chờ sinh để đo tim thai, sẵn ngó qua phòng sinh, không gian cả khu nó cứ tờ mờ ớn ớn nên sau đợt đó mình bye luôn
– W35 mình mới tới FV để tư vấn và khám thử. Mình cũng không tìm hiểu bác sĩ nào trước luôn, thấy mọi thứ đều ok nên chốt luôn chứ đẻ tới nơi rồi
So sánh nhanh phân khúc giá giữa các bệnh viện:
Review nhanh cho mẹ nào quan tâm sinh ở FV:
- Chi phí khám & xét nghiệm trước sinh:
– Trung bình 1 lần checkin gồm đo tim thai, siêu âm đơn giản & khám với bs tầm 2tr1. Bác sĩ cũng là người trực tiếp siêu âm luôn chứ k như các nơi khác.
– Mình đi checkin từ w35, làm thêm 1 vài xét nghiệm máu trước sinh, tổng chi phí trước khi sinh ở w38 cỡ 15tr
- Bác sĩ: Hôm đầu tiên mình khám bác sĩ Ngô Trung Nam và theo luôn. Bác khám và chủ động giải thích mọi thứ rất cặn kẽ, hơn bất kì bác nào mình từng khám trước đó ở các nơi khác. Cho mình thời gian để suy nghĩ và hỏi chứ không kiểu hỏi gì mới nói đó, khám cho xong để tới lượt người khác nên mình rất ưng. Bác chủ động nhắn tin zalo cho mình để khi cần thì cứ hỏi. Mình theo bác giờ chót nhưng bác rất tận tình về kế hoạch sinh cho mình. Mình bị thalas & xương chậu hẹp nên w38 chỉ định mổ, bác cũng đảm bảo mình mất ít máu nhất có thể. Bác còn chủ động làm giấy cho chồng mình được vào phòng mổ và chụp hình luôn nói chung 10 điểm không có nhưng!
- Hậu phẫu:
– Mình sinh mổ không dùng kháng sinh luôn (toẹt vời, mổ xong sữa về luôn đó ạ). Mổ xong em bé được da kề da với mình nhưng chỉ tầm 5-10f thôi vì mình bị shock nôn khi đang may lại Sau mổ thì quy trình giảm đau cũng đơn giản với thuốc chích rồi sau đó là thuốc đặt và thuốc sủi thôi. Đêm đầu tiên mình đau nhức k ngủ được mà k biết để kêu y tá đặt thuốc thêm cho. Qua ngày thứ 2 mình phải ráng lết dậy đi vì cái mũi chích chống giãn tĩnh mạch chích vô bụng còn đau hơn, nên đứng dậy đi để k phải chích nữa.
– Các y tá điều dưỡng túc trực 24/7 k có gì để comment, trong đó có 1 cô rất giỏi zụ con nít, chích ngừa mà bé chỉ é lên 1 tiếng rồi êm ru. Có tắm và giữ em bé ban đêm, máy massage, máy hút sữa cũng có sẵn để mượn. FV sẽ có sẵn bịch tã cho mẹ, bịch tã con bé, đủ dùng trong 3 đêm nằm viện luôn. Bệnh viện có quy định giờ thăm, số lượng người thăm…nhưng mình thấy cũng cho vào hết
– Khẩu phần ăn cho mẹ có 3 thể loại là món tây, món việt, món chay và có thể mix match từng thể loại trong đó, ví dụ có thể chọn đồ xào việt ăn với cá sốt kiểu tây và canh việt. 1 phần ăn cũng đa dạng nhiều thứ, mổ xong mình đói dữ lắm nên bữa nào cũng ăn sạch. Nêm nếm thì k kiểu đậm đà nhưng mình ăn nhạt nên ăn được.
– Chồng mình ở lại chăm thì mỗi ngày sẽ được 1 phiếu ăn sáng, 2 bữa còn lại xuống căn tin ăn, thấy bảo ăn cũng được, tầm 100k/bữa cả ăn và nước uống, có điều căn tin hoạt động theo khung giờ, chồng mình loay hoay với bé có khi bị miss mất.
– Điểm mình k ưng duy nhất là vụ đo vàng da cho bé. Có đợt đo mà sai số giữa 2 lần quá lớn, mình yêu cầu đo lại lần thứ 3, suýt chút nữa đẩy đi chiếu đèn oan uổng rồi. Bệnh viện hơi hard sell follow up vụ vàng da nên mình k thích vụ này thôi.
CHUYỆN SAU SINH:
- Dịch vụ chăm sóc mẹ & tắm bé: Mình có book gói 20 buổi chăm sóc mẹ sau sinh được tặng 10 buổi tắm bé của Care With Love. Trải nghiệm cá nhân:
- Khi mình làm, con cứ khóc rồi thức – ngủ – bú lọt chọt tùm lum cả lên nên mình rất căng thẳng chứ không thư giãn được miếng nào luôn. Những tuần đầu tiên bỡ ngỡ hốt hoảng 100 thứ chuyện nên việc mất thêm 2 tiếng mỗi ngày cho vụ này mà còn không thư giãn được khiến mình rất mệt mỏi.
- Ngta tắm bé ở 01 khung giờ cố định chọn trước nhưng em bé nào có thức đúng cái giờ ấy để tắm đâu. Có khi thì đang bú, có khi lại mới ngủ, lôi em dậy để tắm em la quá chừng la, rồi bà ngoại la ngược lại tui =.=
- Thường sẽ có 2 nhân viên đến chăm sóc mẹ & bé cùng lúc, vì thế rất cần 1 người nhà phụ giúp. Mình quá mệt nên phải làm xen kẽ 2-4-6, 3-5-7 chứ không dồn cùng ngày cùng lúc nổi.Khi book các dịch vụ này thì các mẹ nên cân nhắc:
- Sắp xếp người trông em bé thay mình và thời gian làm dịch vụ phù hợp. Nên chọn khung giờ sau khi đã cho bú xong để không phải dừng giữa chừng để cho bú, và zú cũng bớt căng để nằm sấp được, hạn chế chảy sữa. Với mình thì làm cách ngày dễ thở hơn làm mỗi ngày.
- Chọn các đề mục phù hợp nhu cầu: Trong menu chăm sóc các mẹ sẽ thấy đến mười mấy hai mấy dịch vụ khác nhau từ đầu đến chân, nhưng tổng thời gian 1 buổi chỉ tầm 75-90f (tùy bên) nên mỗi cái sẽ làm rất nhanh chóng. Vì vậy nếu đã biết rõ nhu cầu của bản thân, các mẹ có thể deal để take out mấy dịch vụ mình không cần và tăng thời lượng mấy dịch vụ mình ưu tiên hơn. Ví dụ mình chỉ chọn làm xông hơi, massage ngực, xoa bụng đào thải sản dịch, bỏ hết mấy cái còn lại để tập trung thời lượng massage toàn thân (vì mấy tuần đầu chưa quen ẵm con, bị đau vai đau lưng dữ dội lắm).
- Cân nhắc kĩ dịch vụ tắm em bé. Nếu em bé có lịch sinh hoạt / ít quấy khóc thì okela. Nếu làm lại thì chắc mình sẽ tự tắm cho đỡ phiền.
- Các sản phẩm đẻ rồi mới thấy rất cần / chân ái:
- Miếng lót thấm sữa: Trước khi sinh ngây thơ nghĩ rằng chắc cũng chảy sữa ít à nên mua đúng 01 hộp nhỏ, để rồi…top up k kịp luôn, vì sữa chảy by default haha. Tốc độ xài miếng lót thấm sữa của mẹ cũng bằng với tốc độ xài tã của con luôn. Da mình khá nhạy cảm nên hồi đầu mẩn ngứa liên tục (vì đa phần các miếng lót bằng bông nhưng viền nilon). Sau khi đổi qua rất nhiều loại thì giờ có 3 loại mình dùng ổn nhất là: Moony (hộp trắng, keo bám rất chắc, chất bông dày dặn), Lansinoh (bông êm & mỏng hơn Moony chút xíu), Pigeon Nhật (bịch hồng, keo ít chắc hơn & bông mỏng nhất).
- Airism bra Uniqlo: Hồi đầu mình mặc đầm 2 dây, rất tiện để cho con bú (chỉ cần tuột 1 bên dây xuống thôi), nhưng rất bất tiện vụ chảy sữa, ướt đầm hôi rình thay hoài luôn vì không cố định được vị trí miếng lót thấm sữa. Mình không chịu nổi cảnh ở nhà mặc áo trong áo ngoài & da nhạy cảm nữa nên tìm được những chiếc áo này như được cứu rỗi. Có miếng lót ngực bên trong nên k cần mặc áo ngực, chỉ nhét miếng lót thấm sữa vào thôi. Nhét luôn máy hút sữa không dây vào cũng được nữa. Lưu ý hãy mua lớn hơn 1 size so với size chưa bầu. (vâng, lần đầu tiên trong đời toy phải mua chiếc áo size L). Điểm trừ duy nhất là mặc như này sẽ bị…..các mẹ quở vì phong phanh quá, phải mặc thêm áo khoác vô blabla.
- Cốc hứng sữa: Đúng là innovation xuất sắc, chỉ cần ụp vào là sữa chảy ra 1 bên trong khi bên còn lại cho bé bú.
CHUYỆN SỮA & ZÚ:
Trước khi sinh mình đã được các chị / bạn dặn dò cẩn thận sữa zú vì đau đẻ không bằng đau zú đâu. Mình cũng cày nát playlist học về sữa mẹ nhưng rồi phần ỉ i, phần thiếu kinh nghiệm và thế là lãnh đủ: mới W4 đã viêm lần 1, W6 viêm lần 2, W8 chuyển qua áp xe, điều trị tới W12 mới hết. Tháng thứ 2 và thứ 3 sau sinh của mình nát như…cái zú của mình zị. Đau đẻ không khóc mà đau zú mình khóc suốt, không gì đau đớn bằng áp xe nha mụi người ơi, tuần nào cũng phải đi bệnh viện chọc hút mủ đau thấy 10 ông trời và uống kháng sinh 6 tuần mới hết, nói chung là RẤT RẤT ĐAU KHỔ. Vậy nên đừng ai như mình nha, sau đây là 1 số lời khuyên từ kinh nghiệm xương máu / sữa zú của mình:
- Cày playlist học về sữa mẹ: https://www.youtube.com/watch?v=VTyVQBCOgDs&list=PLSMBwEnwVSZOSRY8oDqgheAmFo3L2kEVQ
- Cân nhắc thật kỹ về kế hoạch cho bú trực tiếp hay bú bình hoàn toàn:
- Hồi đầu mình cũng định tới ít nhất W6 mới cho bé ti bình, nhưng tháng đầu vừa yếu trong người vừa cực vì con quấy nên vợ chồng mình quyết định cho ti bình sớm để chồng có thể phụ cho bé bú vào cữ khuya.
- Sau đó là khoảng thời gian song song con vừa ti trực tiếp rồi mình vừa hút ra, nhưng mình lại không có kế hoạch để canh các mốc thời gian cho hợp lí nên chắc cái zú / cơ thể phải chạy theo loạn xạ không hiểu phải theo cái lịch gì nữa nên tắc rồi viêm – khởi nguồn của chuỗi ngày đau đớn phía sau.
- Song song như mình là cực nhất luôn vì cứ phải đau đầu suy nghĩ giờ cữ này ti này hút hay làm sao. Và rồi cuối cùng cũng phải chuyển qua 1 trong 2 thôi. Khi mình bị áp xe cũng là lúc bé từ chối ti mẹ, sau 2 tuần cố gắng níu kéo mình cũng đành chuyển qua cho bú bình hoàn toàn.
- Nếu làm lại thì mình sẽ cố gắng cho bé ti mẹ hoàn toàn ít nhất 2 tháng, qua tháng thứ 3 luôn nếu có thể rồi mới chuyển qua song song và ti bình hoàn toàn.
- Đảm bảo bầu bú trống / kiệt sữa:
- Sau khi hút cái zú xẹp lép nhão nhoẹt mới là kiệt, vẫn còn cục cục là tắc sữa ứ sữa, phải tìm cách xả ra ngay, để lâu nó viêm.
- 2 tháng áp xe dạy mình phải cẩn trọng hết sức chuyện này, và đây là quy trình mỗi cữ của mình:
+ Massage nhanh rồi vắt tay mỗi bên một chút kiểu “khơi thông dòng chảy” cho dễ hút
+ Khi có phản xạ xuống sữa thì đưa máy vào hút liền trong 20-25f max (lần nào mình hút lâu hơn 25f sau đó cũng bị đau)
+ Vắt tay lần cuối để đảm bảo kiệt sữa. Rất nhiều lần thấy máy hút không ra nữa nhưng vắt tay vẫn thêm được 10 – 20ml nha!
- Bảo trì zú thường xuyên:
- Nếu thấy cục cục ứ sữa mà không tự xử được / qua 1 ngày vẫn còn cứng ngắc không hết thì gọi chuyên viên thông tắc tới liền. Từ ứ sữa chuyển sang viêm rồi lên áp xe RẤT NHANH, có khi 2 ngày là áp xe luôn đó nếu cơ thể đang yếu.
- Zú vẫn ổn thì 1-2 tháng vẫn nên đi bảo trì zú. Ngta sẽ massage, thông tắc mọi đường ứ, mỗi lần bảo trì xong hút sữa xuống rào rào đã lắm!
- Nếu giãn cữ, gộp cữ lại càng phải cẩn trọng và bảo trì zú thường xuyên. Đợt mình giãn cữ từ 4 lên 5 tiếng thôi là xuất hiện cục cục liền, sợ xám hồn luôn, may là tự xử được.
- Địa chỉ chân ái cho các mẹ (có thể làm tại spa hoặc nhân viên đến nhà): Jumama
Note dài lắm rồi, sơ sơ vậy nhe. Mong những người mẹ luôn nhiều sức khỏe, và nhớ là có gì cũng đừng tự im mà chịu một mình. Hãy tìm mẹ, tìm chồng, tìm chị em bạn dì để chia sẻ nhé, mãi iu.