7 BÀI HỌC HAY NHẤT VỀ VẬT LÝ

Vô tình và may mắn lượm lặt được khi quẩn quanh trong một hiệu sách cũ, sâu hoắm trong khu tập thể số 5 Đinh Lễ.

Processed with VSCO with a7 preset

Này là bài học đầu tiên về lý thuyết đẹp nhất – Lý thuyết tương đối rộng, “mô tả một thế giới đầy màu sắc và lạ lùng, nơi vũ trụ bùng nổ, không gian sụp đổ thành những cái lỗ không đáy, thời gian cong và chậm lại ở gần các hành tinh, và sự giãn nở vô hạn của không gian giữa các vì sao, gợn sóng và đung đưa giống như mặt biển”

Bài học thứ 2 về bước nhảy lượng tử, để thấy “toàn bộ hóa học hiện ra từ chỉ một phương trình duy nhất”, để thấy hiểu câu chuyện ai đó đã từng kể với mình: các electron không phải lúc nào cũng tồn tại.

Bài học thứ 3 về kiến trúc của vũ trụ, để thấy hạt bụi là mình nhỏ bé thế nào giữa 100 tỷ thiên hà.

Các hạt cơ bản nằm ở bài học thứ 4 – “một nhúm các loại hạt cơ bản dịch chuyển và thăng giáng không ngừng giữa tồn tại và không tồn tại”, kết hợp với nhau làm nên cả thế giới, để “thế giới này là thế giới của các biến cố, chứ không phải của các vật thể”.

Các hạt không gian nằm ở bài học thứ 5, dù tác giả khẳng định “ý tưởng của nó rất đơn giản”, nhưng mình cóc hiểu cái gì hết ngoại trừ lập luận về pha sớm của vụ nổ vũ trụ mà nó có thể suy ra.

Bài học thứ 6 về xác xuất, thời gian và nhiệt của lỗ đen, câu trả lời vô cùng đơn giản cho vấn đề tại sao nhiệt chỉ truyền từ vật nóng sang vật lạnh: chính là cơ may; và sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai chỉ tồn tại khi có nhiệt (trời ơi đọc đến đây thật sự muốn té ghế, thề!)

Bài học thứ 7 về chính chúng ta, với bộ óc hiếu kỳ có lẽ chính là đòn đẩy giúp chúng ta tồn tại và nhìn ra xa hơn mỗi lúc.

 

Vậy đó, 7 bài học hay nhất về vật lý, như một phép màu cứu vớt 7 năm học vật lý trong trường, mà mình chỉ biết ráng nhớ định nghĩa và công thức mà chẳng thể nối kết, mường tượng cái gì với cái gì.

 

Một tựa sách thoạt đầu có vẻ không hề dễ nuốt, như người đàn ông ngồi cạnh trên máy bay, sau một phút mượn quyển sách cầm lên săm soi đã chốt hạ: “có vẻ không hợp với anh, chắc anh đọc chả hiểu gì đâu”, khiến mình ngỡ ngàng, vì rõ ràng bìa trước, bìa sau và lời đề tựa đều viết rất rõ: dành cho những ai chưa hiểu hoặc biết rất ít về vật lý.

Đến cái tuổi này, trong cuộc sống và công việc này, có thể như lời người đàn ông ấy nói: “nên đọc thật nhiều sách về kinh tế, bộ cha giàu cha nghèo ấy em, học thêm thật nhiều khóa abcd để mình giỏi hơn và kiếm được nhiều tiền hơn”. Nhưng mình vốn cố thủ nay lại còn hơn, cứ ôm khư khư quyển sách này trong tay, trộm nghĩ: đến tuổi này mình mới đi tìm hiểu thế giới, may mà vẫn còn kịp!

6de58cf88a068cf9178899b8f16ebd2e

Đến nay, 3 quyển sách về thế giới hay nhất mà mình từng đọc (mà còn chưa đọc hết) đang là:

  1. Tình yêu và toán học
  2. Chiếc nút áo của Napoleon – 17 phân tử thay đổi lịch sử
  3. 7 bài học hay nhất về vật lý

633ba499fd94a73e5bb7d02c39d8ec62

Cám ơn anh, người đã xuất hiện trong đời em, cho em mượn quyển “Hãy trả lời em tại sao” từ năm cấp 2, quyển sách hay đến nỗi em đã quyết định….giữ luôn không trả. Đi một vòng thật lớn, rồi anh quay lại trong đời em dù hơi muộn một tẹo, nắm tay em lôi em ra khỏi cái thế giới của outlook và network, để em mở lòng mình lại với thế giới, mở mắt nhìn theo một cách khác, để thấy thế giới này to lớn và tuyệt vời biết dường nào.

Nhất định một lần cùng nhau nhìn cho được milky way anh nhé!