MADE IN SAIGON

Có người nói Sài Gòn rất hoa lệ. Người lại bảo Sài Gòn thật tạp nham. Có người nói Sài Gòn xô bồ quá. Người lại bảo kiểu gì cũng có thể sống tốt tại Sài Gòn. Vâng, nếu watermark có thể được dùng không chỉ cho các bức ảnh, tôi chỉ muốn gom hết mọi thứ ở Sài Gòn này lại, đóng cái cộp, made in Sài Gòn đó, rồi cười toe toét đem khoe cho tất cả mọi người cùng xem. 

 

 

Sài Gòn – Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh

Ở Sài Gòn, người người đều nói về Sài Gòn, nhà nhà đều nói về Sài Gòn. Lâu lâu giá xăng tăng, cướp giật giết hiếp quá nhiều hay thấy những bức tường chi chít những “Ai đái là chó”, người ta buôn than hoặc hốt gạch ném vào nơi này vài cái. Nhưng nói thì nói cho sướng miệng, chê thì chê vậy thôi, chứ lòng tự ái luôn chực chờ nổi dậy và sẵn sàng nhảy dựng lên với bất cứ ai dám xúc phạm vùng đất này. Ai cũng vỗ ngực xưng tên mình là người Sài Gòn, và mình tự hào về Sài Gòn lắm. Nhưng, bao nhiêu người đã từng Google từ khóa “Sài Gòn” (thay vì “bà Tưng” các kiểu), bao nhiêu người tìm đọc những quyển sách từ năm một ngàn chín trăm hồi đó như Chuyện Nhỏ Sài Gòn, Sài Gòn Tả Pí Lù…, bao nhiêu người có thể phân biệt nổi Sài Gòn – Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh, bao nhiêu người định nghĩa được Sài Gòn là gì trên đất nước Việt Nam này, và trong trái tim mình?

Tôi hỏi những người trẻ ngày nay, biết Sài Gòn là gì không, cái tên đó bắt nguồn từ đâu? Ờ thì Sài Gòn là tên khác của Thành phố Hồ Chí Minh nè, còn cái tên bắt nguồn từ cây bông gòn thì phải; Gòn là bông gòn á, còn Sài thì…chưa biết. Chưa biết, vậy thì cùng lên Google cho nhanh nhá!

Thử search với từ khóa “Nguồn gốc Sài Gòn”, hơn 4 triệu kết quả lũ lượt hiện ra trước mắt trong vòng 0.22 giây. Đùa đấy, đừng có search làm gì, 4 triệu kết quả chẳng cho ra một lời giải thích nào chắc chắn đâu!

Sài Gòn ngày xưa ở đâu, bao gồm những gì – Google có thể trả lời bạn. Nhưng cho đến bây giờ, khi Sài Gòn đã hơn 300 tuổi, vẫn chưa ai giải thích chính xác được cái tên Sài Gòn bắt nguồn từ đâu ra. Hay nói đúng hơn là đã có rất nhiều giả định, giả thuyết từ các chú các bác có chuyên môn, nhưng chẳng ai nhường ai và chẳng ai chịu ai đúng: thuyết Đề Ngạn của các nhà sử học, lời giải thích về củi và bông gòn của dân địa phương, hay Prei Nokor từ thời Chân Lạp của cụ Trương Vĩnh Ký…

Chung quy thì, thuyết Đề Ngạn vẫn dễ chấp nhận hơn cả:

–          Trần Thượng Xuyên theo lệnh chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở miền Nam, tàu cập vào Cần Giờ, lập nên Cù Lao Phố.

–          Quân Tây Sơn tràn vào truy sát, một số ít người Hoa kịp chạy dọc theo sông Bến Nghé, đắp đất bồi đê lập nên khu dân cư ở Chợ Lớn ngày nay, đặt tên là Đề Ngạn Phố, tiếng Quảng Đông đọc là “Thày – ngòn”.

–          Người Việt không gọi “Thày Ngòn” mà chỉ gọi Chợ Lớn cho thuận miệng, sẵn cũng có cái chợ thật lớn của người Hoa ngay đó, ứng với khu Triệu Quang Phục – Đồng Khánh – Nguyễn Trãi ngày nay. “Chợ Lớn” gắn với người Hoa là thế!

Còn “Sài Gòn” thì phải gắn với người Pháp!

–          Những năm đầu vào Việt Nam, người Pháp dựng đồn điền thu thuế ở khu Bến Nghé và Chợ Lớn bây giờ, cũng như sử dụng từ “Sài Gòn” trong các văn bản hành chính.

–          Khi Pháp chính thức nắm chính quyền, khu Sài Gòn (chỉ khu vực Bến Nghé ngày nay) và khu Chợ Lớn (quận 5 ngày nay) ngày càng được mở rộng cho đến khi gần như sáp nhập vào nhau.

–          Người ta gọi chung khu vực rộng lớn này là Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, sau Ngô Đình Nhiệm đổi lại thành Đô thành Sài Gòn.

–          Cứ thế, Sài Gòn ngày càng mở rộng, đến khi Việt Nam thống nhất thì cái tên chính thức cho thành phố rộng lớn này là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm lại thì, Chợ Lớn là cái tên đầu tiên của Sài Gòn, Sài Gòn là cái tên đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu xét về mặt địa lý, Chợ Lớn chỉ khu người Hoa ở khu vực quận 5, Sài Gòn chỉ khu trung tâm quận 1, còn Thành phố Hồ Chí Minh là tên gọi chính thức của cả hai khu vực này. Nói thế thôi chứ ai muốn gọi sao thì gọi, mà tôi thấy người ta cũng chỉ ưng và gọi miết cái tên Sài Gòn.

 

Sài Gòn 1001 điều kỳ thú

Lại một lần nữa, Google xua tay rằng đừng nên hỏi hắn bất cứ điều gì cho mệt nếu bạn đã là người Sài Gòn chính gốc. Tôi thử search từ khóa “Những điều thú vị ở Sài Gòn”. Kết quả cho ra hẳn một bài viết tận 100 điều kì thú luôn! Nhưng vào xem thì hỡi ôi chưng hửng, bởi những điều kì thú theo ý tác giả là đây:

–          5 bảo tàng đặc trưng nhất

–          5 lễ hội lớn nhất

–          5 khách sạn được ưa thích nhất

–          5 món ăn ngon nhất

–          …

Cứ thế mà nhân lên cho đủ 100. Trời ơi, làm ăn gì kì cục vậy!

Tôi không phải hướng dẫn viên du lịch, cũng chẳng là chuyên gia văn sử địa gì gì đấy, nhưng tôi thấy mấy cái này thú vị hơn nè:

 

Sài Gòn hóa: 

Sài Gòn thật sự là một nồi lẩu thập cẩm, là tả pí lù, Tây, Ta, Tàu, Ấn, Hàn… đủ kiểu. Nhưng những thứ ấy về Việt Nam, vào tới Sài Gòn, rồi được Sài Gòn hóa theo một công thức bí ẩn nào đó thì lại trở nên rất khác. Thập cẩm nhưng đặc trưng, và đặc trưng một cách thập cẩm. Từ kiến trúc, ẩm thực cho đến hàng hóa. Sài Gòn cái gì cũng có. Nhiều khi đi du lịch, tôi chẳng biết ăn gì vì “món này Sài Gòn cũng có mà”, chẳng biết mua gì vì “Trên Sài Gòn có khi còn rẻ hơn”.  Cùng lúc người ta có thể ở trong một ngôi nhà kiến trúc Pháp, mặc đồ style Mỹ, đi xe Nhật, ăn đồ Tàu, coi phim Hàn Quốc, và nghe nhạc Việt Nam. Sài Gòn là vậy đó!

 

Trà đá miễn phí

Lần đầu tiên nhìn thấy những bình trà đá có chữ “miễn phí” trên đường, tôi đã rất ngần ngại. Khi ấy còn nhỏ, trong đầu toàn những thứ “sạch sẽ” và “an toàn” đã được phân định rõ ràng. Lớn lên mới biết, tình người là điều ít được ghi nhiều thành định nghĩa trong sách vở. Không khó để bắt gặp những bình trà đá miễn phí ai đó đặt trên đường. Đã miễn phí, đôi khi lại còn “thơm ngon mát lạnh” nữa chứ. Từ xe ôm, buôn gánh bán bưng cho đến dân văn phòng bảnh tỏn, ai khát thì cứ uống, chả phải ngần ngại gì. Cứ “ghé lấy cái ly nhựa, rót uống ừng ực rồi cứ vậy mà đi, không cần phải cám ơn, có ai đứng đó đâu mà cám ơn”. (Chuyện nhỏ Sài Gòn – Đàm Hà Phú)

 

Bánh mì Sài Gòn 

Nếu quẩy là thứ sống còn của người dân Cambodia, thì bánh mì là thứ không thể thiếu với dân Sài Gòn sau cơm. Ai nói bánh mì là thứ đọc đòi theo Pháp chứ bản sắc gì, tôi nhét ổ bánh mì vào miệng liền cho không khí trong lành. Bánh mì chấm sữa, bánh mì cá hộp, bánh mì bơ đường, bánh mì ốp la, bánh mì bánh mì bì-thịt-chả…, cái gì cũng có thể nhét được vào ruột một ổ bánh mì! Thỉnh thoảng, người ta còn mua một ổ bánh mì không để gặm chơi cho đỡ buồn nữa! Cứ sáng là bánh mì, cứ có hẻm là có xe bánh mì. Bánh mì Sài Gòn, một nghìn một ổ, một ổ một nghìn. Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ…

 

Cơm 2000 

Cơm tấm thì nức nở khỏi nói rồi, và Sài Gòn gần đây còn xôn xao với cơm 2000 nữa! Cơm từ thiện, chứ không phải cơm được tổng thống đến ăn như Phở 2000 đâu nhé. Một lần nữa, Sài Gòn dang tay đón những ai đến với bạn ấy, và sẻ chia tất cả những gì bạn ấy có được. Chẳng thấy ai ngại ngùng khi đến những quán cơm này. Nhóc bán vé số, người tàn tật, dân lao động, sinh viên cho đến những anh đóng vest chỉnh tề. Cũng chẳng ai đóng cửa xua tay “chỉ phục vụ người nghèo đúng nghĩa, cầm giấy chứng nhận ra rồi nói” cả. Ai cũng là người Sài Gòn, và bữa đói nào cũng như nhau. Được thì chung một tay, góp miếng sức. Thế thôi.

Vui lòng Google “cơm 2000 đồng” để cập nhật địa chỉ quán cơm gần nhất

Vui lòng Google “cơm 2000 đồng” để cập nhật địa chỉ quán cơm gần nhất

Xếp hàng nhận cơm

Xếp hàng nhận cơm

Một anh Tây, thẩy ảnh đủ tiêu chuẩn là người Sài Gòn rồi!

Một anh Tây, thẩy ảnh đủ tiêu chuẩn là người Sài Gòn rồi!

 

Nhậu đê

Xăng có tăng bao nhiêu, kinh tế có ảm đạo bao nhiêu, tôi cá là quán nhậu Sài Gòn vẫn luôn khấm khá. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu. Nhậu lai rai xuyên mùa mưa thì phê phê, còn nhậu ngay mùa bóng là vui nhất trên đời. Ngồi bàn này, lâu lâu người ta hóng hớt qua bàn kia. Cùng chí hướng, góp vui vài câu, rồi hai cái bàn sáp lại làm một khi nào không hay. Có ông còn mạnh miệng: bạn ngoài đời đâm chém nhau sau lưng thế nào không biết, chứ bạn đáng tin nhất luôn là bạn trên bàn nhậu! Hứng chí, người ta còn cùng ca hát, còn khao cả chầu, còn đưa nhau về, dù quen nhau chưa đầy hai bốn tiếng.

Combo nhậu – nướng – hải sản, làm gì mà không sướng!

Combo nhậu – nướng – hải sản, làm gì mà không sướng!
Ảnh: Huy Vôva

 

Cho nhiêu cũng được

Người ta thường đùa, chính gốc dân Sài Gòn với bản tính Sài Gòn, chắc cả đời cũng “khá hông nổi”. Biết sao không, có nhiêu cũng xí xóa cho người hết rồi. Người Sài Gòn, ít ai đi taxi chỉ trả đúng số tiền trên hộp máy, mà toàn tự làm tròn lên coi như “boa” cho tài xế. Ngay cả xe ôm Sài Gòn, còn mấy ngàn không đủ trả cũng “thôi khỏi, nhiêu được rồi”. Nhờ ai mua giúp cái gì đó, thì hoặc là “lấy luôn đi có nhiêu đâu”, hoặc là ‘cho nhiêu cũng được”. Có câu “sộp như dân Sài Gòn” chẳng sai. Sao cũng được, nhiêu cũng được, xuề xòa mà thương quá chừng chừng.

Các chú xe ôm còn kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch hay bản đồ biết nói nữa. “Đường nằm ở miệng” – điều này đặc biệt luôn đúng tại Sài Gòn

Các chú xe ôm còn kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch hay bản đồ biết nói nữa. “Đường nằm ở miệng” – điều này đặc biệt luôn đúng tại Sài Gòn

 

Và những tấm lòng…

Sộp như người Sài Gòn, sành điệu như người Sài Gòn, và hào hiệp như người Sài Gòn nữa đấy! Tôi thấy hoài người ta cố chạy theo một chiếc xe nào đó, chỉ để nhắc người kia đá cái chống lên kìa coi chừng té, kéo cái vạt áo mưa lên kìa coi chừng mắc vào căm, nhét cái ví vô kìa coi chừng rớt, kéo lại mấy thùng hàng kìa nó lỏng le rồi đó… Không ai bắt người ta phải tốt như vậy, mà người ta thậm chí cũng chẳng thèm hiểu làm vậy tức là tốt với ai lắm đó. Có lẽ do người Sài Gòn đi đâu cũng thấy bà con, đi đâu cũng nhận họ hàng ngọt xớt, rồi từ đó cứ thương nhau như gia đình.

Miễn phí cho người khuyết tật

Miễn phí cho người khuyết tật

Chỉ đường cho các mẹ từ quê lên thành phố sinh con

Chỉ đường cho các mẹ từ quê lên thành phố sinh con

 

Made in Sài Gòn

Tôi từng nghĩ: làm tour mà đi đến Sài Gòn hẳn là…chán lắm. Nha Trang người ta còn có biển, Hội An còn phố cổ, Đà Lạt có đồi hoa. Sài Gòn thì có gì nhỉ? Tôi cũng thấy khách du lịch đứng ở một góc phố nào đó quay quay chụp chụp, mà tự hỏi: ủa có gì lạ lắm sao, cũng chỉ là rất nhiều người đang sống thôi mà, tại một nơi rất ồn ào và hỗn độn. Ấy vậy mà khi đi xa, tôi lại thấy Sài Gòn rất đáng giá ở một chữ “sống” đó! Là đường là hẻm, là màu sắc, là âm thanh đủ kiểu, là không khí đặc quánh đủ thứ mùi, là con người. Tất cả đều đang sống, đang chuyển động, thậm chí là vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Rất rất sinh động, mà không phải “thành phố của những chiếc hộp” nào cũng có được! Sài Gòn dung nạp mọi thứ, Sài Gòn không có gì là của riêng mình cả, nhưng cũng từ đó mà Sài Gòn rất riêng theo cách của bạn ấy. Sài Gòn không là nơi ai đó có thể yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên được. Người ta phải sống với bạn ấy, sống rất thật để thấy rằng bạn ấy xấu xí, dở hơi và đôi khi còn vô duyên nữa. Vậy mà ai cũng nặng tình, rồi vừa xa một cái là thấy mình yêu. Sài Gòn là nồi lẩu thập cẩm không thể ăn vội được. Phải tìm một quán thật đỉnh, thong thả ngồi xuống, nghiên cứu menu, đợi dọn lên từng thứ một, đếm chờ nước sôi, rồi mở nắp thưởng thức từng chút từng chút ấy, phải trả qua cảm giác bỏng lưỡi hay gì nữa. Và tôi nghĩ, chén cuối cùng sẽ luôn là chén ngon nhất sau khi nước đã sắc lại, đủ để bạn mang cái sự ấm ngọt ấy về nhà, thấm thấm tận mấy hôm sau.

Đủng đỉnh đời xích lô

Đủng đỉnh đời xích lô

Những ngón nghề chỉ có ở Sài Gòn

Một đô tô hủ tiếu & những ngón nghề chỉ có ở Sài Gòn

Nhắc tới Sài Gòn mà thiếu dây điện là một thiếu sót lớn!

Nhắc tới Sài Gòn mà thiếu dây điện là một thiếu sót lớn!

Những tháng ngày hạnh phúc nhất của người Sài Gòn, khi Sài Gòn chỉ còn dân Sài Gòn chính gốc ở đó

Những tháng ngày hạnh phúc nhất của người Sài Gòn, khi Sài Gòn chỉ còn dân Sài Gòn chính gốc ở đó

 

Sài Gòn là gì?

Trở lại với câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản. Mà tôi thấy nó đơn giản thật đó, nhưng hỏi ai cũng “đợi xíu suy nghĩ đã rồi trả lời cho”. Sài Gòn có gì phức tạp, Sài Gòn có gì to tát, Sài Gòn có đâu xa. Chẳng phải đã đặc quánh trong không khí hằng ngày hít thở rồi đó sao!

 

Sài Gòn là gì hả?

–          Sài Gòn là gì chưa cần biết, mà gọi tên thôi đã thấy hay rồi.

–          Sài Gòn là nơi sinh ra, lớn lên và hiện tại là làm việc. Và vẫn chưa có dự định đổi đi nơi khác.

–          Sài Gòn giống như một nồi lẩu lớn vậy. Nóng nực, lúc nào cũng mồ hôi mồ kê. Vậy mà về quê thấy vắng vắng mới biết là mê lẩu lâu rồi.

–          Sài Gòn là nơi ở gần thì thấy chật chội, nóng bức, xô bồ; mà đi xa lâu thì chịu không nổi. Là nhà, là bạn bè, là tất tần tật.

–          Sài Gòn lấm lem khói bụi, cáu gắt bởi thời tiết và đôi khi bẩn nhơ bởi lòng người. Nhưng ai đã trót nặng lòng với nơi này, dù rời đi, rồi cũng sẽ trở về.

 

Phonl CL

Ảnh: Internet