Qua nay, newsfeed tràn ngập những lượt share về cái ngữ “Đàn bà, cơ bản là khổ”. Một status khá dài và chi tiết về những nỗi khổ của đàn bà, nhận được rất nhiều like và share. Cơ bản là mình chẳng phản bác gì cái status đó. Thế nhưng kì lạ, cứ gặp cái ngữ “Đàn bà, cơ bản là khổ” cùng những cái tấm tắc gật gù của phe mình lẫn phe kia lại thấy khó chịu vô cùng tận.
Đàn ông, CƠ BẢN có khổ không? Có!
Yêu cũng khổ
Hiếm ai mang trái tim đồng trinh suốt đời chỉ nhét mỗi một người vào. Lạ gì cái sự “ta chỉ yêu mình mi” vào năm trước, năm sau đã thấy “đây mới đúng là một nửa của đời mình”. Trách ai đây, hay trách tim gan phèo phổi?
Rồi khi yêu, đàn ông được mặc định phải chủ động trước, nhắn tin trước, tỏ tình trước. Đàn ông đâu thú tính đến độ không biết e dè, không biết nghĩ suy, không biết đắn đo cân nhắc? Đàn ông yêu thầm không dám nói, để người khác nẫng tay trên thì được gọi là nhục, là hèn.
Cưới cũng khổ
Nếu đàn bà có thể tự nguyện theo đuôi một người đàn ông đã có vợ mà chẳng cần chút danh phận nào, đàn ông có quyền yêu ai đó đến trọn đời mà chẳng cần phải hỏi cưới không?
Đàn ông bị áp lực về một buổi cầu hôn theo chuẩn mực điện ảnh, một đám cưới đảm bảo bộ mặt họ hàng, và một gia đình không phải lo đến từng hạt gạo trong nồi cơm.
Đàn ông có phải chịu đựng một người vợ tưởng ngoan hiền lắm, nhưng một bữa cơm cũng không biết nấu, con không biết chăm, và để mặc người giúp việc trông nom chồng mình? Và còn là nghĩa vụ bên vợ cho đáng mặt một thằng chồng.
Giận cũng khổ
Đàn bà có thể giận vì bất cứ lí do, có thể là người gây chuyện trước, nhưng đàn ông có quyền giận dai, có quyền ngồi đợi đàn bà xin lỗi không? Hay đàn ông sẽ được ưu ái gán mác đồ đàn bà, ích kỷ, nhỏ mọn, hèn hạ, không biết cảm thông và chiều chuộng cho từng cơn giận của đàn bà?
Lấy nhau về, đàn bà giận có thể tâm sự một hay nhiều đêm với bạn bè, dọn đồ về nhà, tìm vui vào shopping và làm đẹp. Đàn ông giận có thể cuốn gói về nhà không, hay chỉ cần đi uống bia giải sầu, ngồi lì chơi game đã được hỏi muốn li dị chưa?
Vợ đẻ cũng khổ
Cái giây phút đàn ông làm cho vợ phải đẻ, đàn ông cũng gánh không ít áp lực. Đàn ông, sẽ phải chọn giữa việc thủ dâm suốt 9 tháng 10 ngày với bản năng đực rựa trời đánh so với vợ mình.
Đàn ông sẽ phải gánh thêm một miệng ăn, một cuộc đời mà mình sẽ phải đứng ra chèo chống và làm gương cho nó. Đàn bà, hãy thử làm cha đi!
Ly dị, càng khổ
Cũng như đàn bà, đàn ông có quyền tìm cho mình một hạnh phúc khác. Nhưng trái tim và đầu óc nhất quán của đàn ông sẽ bị đàn bà chì chiết là đồ bạc tình bạc nghĩa. Còn trách nhiệm của một người cha sẽ khiến tập 2 của họ bưng mặt rên rỉ suốt ngày vì có mới không lo.
Sơ sơ nhiêu đó, chứ kể hết ra, chắc đàn ông cũng đi tự tử hết.
Vậy thì mục đích của việc này là gì – cái sự công nhận đàn bà, VỀ CƠ BẢN là khổ? Đàn ông ơi ngó qua đây mà coi, tui khổ vầy nè. Thế giới ơi hãy cùng suy nghĩ lại đi, tui khổ vầy nè. Từ khi nào, đàn bà tự mặc định đời mình CƠ BẢN là khổ, chiếm mic về những cái khổ của đàn ông? Mắc mệt! Đàn ông có khổ không? Có! Vậy chẳng lẽ cuộc cách mạng giới tính trở thành cuộc chiến kể khổ cho nhau nghe, ai khổ hơn thì người đó mới được quyền sướng?
Nếu ngay cả đàn bà cũng chấp nhận đời mình, VỀ CƠ BẢN là khổ, thì mặc nhiên họ đã khổ từ cái giây phút hình thành nên genes giới tính trong bụng mẹ.
Nếu đàn bà cứ mãi kể khổ về mình, họ cũng chẳng tôn trọng những nỗi khổ của đàn ông.
Nếu đàn bà đòi quyền bình đẳng bằng cách ấy, họ đang hành động bằng cách tước đi quyền bình đẳng của nửa kia thế giới.
Nếu đàn bà chấp nhận mình khổ, kể khổ để đòi quyền được sướng, bình đẳng sẽ không đi đâu xa hơn một buổi chợ chiều chán ngán ngồi ném cái khổ vào mặt nhau.
Đàn ông có thể kể khổ không, có thể đăng đàn đòi này đòi nọ về cái sự khổ không thể chối cãi nhưng không thể nói ra của mình không? Một người bị đau chân sẽ không bao giờ để ý đến cái chân đau của người khác. Và chúng ta dùng những cái chân đau của mình đạp lên nhau. Có nhiều cái nhìn về bình đẳng. Cá nhân mình không thích biện luận theo kiểu kể khổ.
Khổ không đến từ cách người khác nhìn vào đời mình, mà đến từ chính cái nhìn của mình về đời mình. Khổ không nên là một chân lí để mang ra chứng minh và đi đến kết luận, mà nên là động lực. Đi lên từ cái khổ, chứ đừng mãi nhìn về cái khổ. Khổ không nên là đề tài mang ra ợ lên nhai lại chỉ để…….tiếp tục làm khổ nhau. Vì chẳng ai có thể thấu hiểu nỗi khổ của ai cả! Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận, sẻ chia. Cứ lải nhải mình khổ, có khiến người khác cảm thông hơn không? Vậy thì kể khổ có ích gì? Thay vì rên rỉ: Vì tui khổ nên tui có quyền sướng, sau không nói: mỗi người đều có cái khổ riêng, nhưng đều có quyền sướng như nhau?
Khi nào thì chúng ta thôi nhìn nhau theo kiểu những người khổ phải được sướng, mà không phải là ai cũng có quyền được sướng vì vốn dĩ phải thế?
Khi nào thì chúng ta thôi nhìn nhau theo kiểu đàn bà khác đàn ông vì cái khổ, mà không phải tất cả chúng ta đều là CON NGƯỜI với cấu trúc sinh học khác nhau, từ đó có những cái khổ rất khác nhau?
Khi nào thì chúng ta được quyền “be sensitive” và “be strong” như nhau, ca than về cái khổ của mình và đấu tranh thoát khổ?
Mình thích nhìn thế giới này theo kiểu không giới tính. Chúng ta là con người, chúng ta sinh ra bản chất đã đa dạng khác nhau. Hạnh phúc không nhất thiết cứ phải được đánh đổi từ đau khổ. Cũng như không đau khổ thì không có quyền được hạnh phúc. Câu chuyện hạnh phúc vẫn có thể đẹp mà chẳng cần bất kì nỗi khổ nào làm bàn đạp.
Vì hạnh phúc đâu được tạo nên bằng cách làm đau người khác, đừng giành lấy những niềm vui sướng cho bản thân bằng cách ném nỗi khổ của mình vào mặt nhau. Đời đủ khổ rồi, ôm nhau, yêu nhau dùm cái đi!
P.s: Nếu các bạn quan tâm về vấn đề giới tính – bình đẳng, sẵn sàng tiếp nhận những luồng tư tưởng đa chiều, và đã có tâm đọc đến đây rồi thì sẵn tiện nghe/đọc bài phát biểu của Emma Watson trong chiến dịch HeForShe – Bình đẳng được tạo nên bởi cả đàn ông lẫn đàn bà:
Lược trích:
“…We don’t often talk about men being imprisoned by gender stereotypes but I can see that that they are and that when they are free, things will change for women as a natural consequence.
If men don’t have to be aggressive in order to be accepted women won’t feel compelled to be submissive. If men don’t have to control, women won’t have to be controlled.
Both men and women should feel free to be sensitive. Both men and women should feel free to be strong… It is time that we all perceive gender on a spectrum not as two opposing sets of ideals.
If we stop defining each other by what we are not and start defining ourselves by what we are—we can all be freer and this is what HeForShe is about. It’s about freedom.”
Phonl CL
Ảnh: Internet