FOOD LORE – an eight-episode hour-long anthology series that explores human condition with narratives inspired by & showcased through the perspectives of Asian cuisine, weaving tales of the tastes and aromas that have filled the Asian souls. Tales of longing & forbidden passion, of connection & loss, of childhood memory. (HBO)
Không hiểu sao càng lúc chủ đề ẩm thực càng trở nên cuốn hút mình. Như hôm nay, subscribe cái kênh nọ hẳn 1 năm chỉ để xem cái series FOOD LORE mới chiếu được 2 tập (mà giờ gõ những dòng này mới sực tỉnh ủa mình subscribe đỡ 1 tháng để coi vẫn được mà >.<)
1.HE SERVES FISH, SHE EATS FLOWERS của Phan Đăng Di (Chàng dâng cá, nàng ăn hoa) là tập thứ 2 nhưng mình xem trước vì quá tò mò. Một bộ phim ít cốt truyện, nhiều so sánh ẩn dụ và đặc sệt chất Hà Nội (dù địa chỉ trong bối cảnh phim là TP.HCM rõ ràng). Nhưng không vì thế mà phim trở nên quá nghệ thuật hay khó hiểu. Bộ phim cân bằng vừa đủ, mà chỉ cần câu thoại đầu phim lúc chàng trai vừa bước vào nhà cô gái đã đủ “setup” và kể hết bộ phim phía sau: “Trước đây chúng là mèo hoang. Cho ăn rồi ở lại. Càng cho chúng ăn chúng sẽ đến càng nhiều. Cho ăn suốt rồi giờ đuổi cũng không đi.”
Một bộ phim trong series chủ đề ẩm thực. Hai nhân vật chính, mỗi người ăn một kiểu khác nhau, đói một thứ khác nhau.
Có nhiều cảnh nấu ăn, đơn giản có, phức tạp có, nhưng chưa bao giờ hai nhân vật cảm thấy no hay ngon miệng, chưa bao giờ thôi đói khát, ngoài bát tàu phớ đầu tiên khi gặp nhau rồi đến với nhau. Một người đói khát hoa cỏ, tình yêu; còn một người đói khát thịt cá, ái ân. Và đúng thật là, “đam mê xác thịt luôn ẩn chứa độc dược, cho dù không đủ để giết nhau”. (post review cùng bộ phim của Lê Hồng Lâm)
Có nhiều cảnh nấu ăn, nhiều món ăn, từ chàng trai là một đầu bếp xịn. Ấy vậy mà anh ta chưa một lần hỏi cô gái muốn ăn gì, có thể ăn gì, cần ăn gì. Và hai người cứ thế chệch nhịp. Kì công ninh một nồi phở 6 tiếng khi người ta đã ăn tối rồi, thì cũng như không. Cũng không thể nói là chàng trai đã rất sai (tứ khoái của con người mà). Cơ bản là hai người họ không hợp khẩu vị nhau, không cần ăn cùng một thứ ở cùng một thời điểm trong đời. Dù cho có cố gắng “bánh ít đi bánh quy lại”, chàng trai nấu cho cô gái ăn, cô gái cho-chàng-trai-ăn, thì họ vẫn luôn đói, luôn bỏ đói nhau theo một cách nào đó. Nhưng chẳng ai sống mà không cần ăn cả. Và thế là họ rời đi.
Hồi lâu rồi trong một bộ phim nọ, có cô Tuesday nói với cô vợ chính thế này: “Chồng chị ngày nào cũng tới quán tôi ăn, chị nhìn đi ảnh đang ngồi ăn những món tôi nấu ngon đến mức nào. Không phải là tôi dẫn dụ ảnh trước, mà là vì chị bỏ đói ảnh trước.” Trai hay gái gì thì chắc cũng vậy, chẳng ai muốn bị bỏ đói. Đói miệng, đói lòng, đói whatever. Hoặc là tự mình cho mình ăn, hoặc là tìm đến nơi khác có thức ăn, vậy thôi.
Nói qua xíu về Lãnh Thanh; có người đùa rằng Lãnh Thanh năm nay hôn cả showbiz Việt. Mình chưa xem Thưa mẹ con đi, cũng không có ý định sẽ xem Chị chị em em, nên đây chắc là bộ phim duy nhất biết đến Lãnh Thanh. Thật sự mà nói thì chưa quá ấn tượng, vẫn cảm thấy gì đó chưa tới, gì đó còn bình lặng và thiếu thiếu như cảm giác từ chính cái tên của anh ấy. Nhưng cũng là một gương mặt triển vọng, mong gặp lại anh ấy dữ dội hơn, trong một bộ phim nào khác.
2. ISLAND OF DREAM là một bộ phim của Philippines rất rất gần gũi và dung dị, cảm giác như nhiều bộ phim Philippines khác mình đã từng xem. Một bộ phim hoàn toàn ngược lại: nhiều thoại, nhiều tình huống, có gì nói đó thẳng thắn, bộc trực. Và hay ghê, bộ phim mở đầu series ẩm thực, cũng có rất nhiều cảnh nấu ăn hay ăn uống, và chủ thể vẫn là cái đói như phim của Việt Nam.
Cái đói ở đây chân thực hơn, cái đói theo nghĩa đen, như đúng câu thoại mở đầu “tôi lớn lên cùng cái đói”. Đầu phim, nhân vật chính làm mình nhớ đến mẹ nhiều. Câu chuyện mà mẹ kể đi kể lại nhiều lần: Hồi nhỏ quá ít cái mà ăn, có đợt nằm bệnh viện không có ai bên cạnh kể cả ngoại, nhìn đứa con gái bên cạnh cầm trên tay ổ bánh mì ngọt mà thèm rớt nước miếng lẫn nước mắt. Và cái đói của tuổi thơ ngày đó đã hằn lên suốt cuộc đời mẹ. Để rồi khi đã trưởng thành, mẹ luôn dúi vào tay (và mồm) mình rất nhiều, không muốn con gái phải đói phải thèm bất kì thứ gì như bản thân khi xưa. Và mình cũng chưa từng nghe mẹ nói thèm bất kì món gì khác trong đời ngoài bánh ngọt. Mình chỉ biết mỗi lần đi chơi hay đi du lịch cố gắng dẫn mẹ đi thật nhiều tiệm bánh ngọt, cho mẹ mua bánh ăn bánh thỏa thích, như một sự bù đắp mà thôi. Rồi cuối phim, đúng cái cảnh người cha ăn tô mì trong trí tưởng tượng của con gái mà mình chảy nước mắt nhớ đến ba. Mình cũng từng hứa với lòng dẫn ba đi ăn kem thỏa thích. Hồi nhỏ, ba cũng dẫn con gái đi ăn kem, và ba chỉ gọi phần rẻ nhất cho bản thân mình.
Qúa nhiều thế hệ đã hy sinh vì con cái. Điều mình thích ở bộ phim là dù người phụ nữ ấy đã, đang và sẽ còn khổ sở như thế nào, cô ấy cũng không bỏ cuộc, không an phận. Nhiều người sinh ra như thể đã sẵn bổn phận phụng sự, hy sinh. Nhưng người phụ nữ ấy không từ bỏ giấc mơ đi ra nhiều biển lớn của cuộc đời mình. “Đầu tiên, tôi chỉ mong một bữa ăn có cá. Kế đó, tôi mong có cá nhiều hơn trong 1 tuần. Rồi mong con cá to hơn. Rồi cứ thế mong nhiều thứ khác nữa.” Mong ước, kì vọng đâu bao giờ có lỗi. Chỉ là nó luôn đi kèm những cái giá phải trả nào đó mà thôi. Một bộ phim đơn giản, sực nức đồ ăn. Đủ để nhắc nhớ những người đã từng đi qua đói khổ như thế nào, khẩu vị lúc đói ra làm sao. (Coi mà thấy thương dân miền Trung lắm, xứ của đồ ăn mặn và cay để lướt qua những ngày đói cá thịt.) Đủ để vấn lòng mình những ngày ấm no, khẩu vị mình vẫn vậy hay đã khác xưa lắm rồi…
————————-
Tạm thời mới chỉ có 02 tập phim thôi, nên viết bấy nhiêu thôi. Chắc cũng nhiều người chưa xem / không thể xem nên mình cũng không viết dưới dạng phân tích chi tiết. Nhìn chung thì mình thích cách mỗi câu chuyện khai thác khác nhau về nhiều thứ xung quanh việc ăn uống hay các món ăn. Dù gì đó cũng là con đường ngắn nhất đi đến trái tim 🙂 Ngoài xem phim ra, mọi người có thể tìm đọc truyện ngắn LƯỠI của một nhà văn Hàn Quốc. Cũng thú vị không kém về cái đói no trong tình yêu này, cuộc sống này!