HÀNH TRÌNH YÊN BÌNH Ở CHIANG MAI

Chiang Mai – có lẽ từ lúc nằm trong checklist của mình đến lúc đặt chân đến, là hành trình chờ đợi dài miệt mài chỉ sau Tây Bắc. Gạch đầu dòng “đi Chiang Mai thả đèn trời vào tháng 11 ” từ lúc chưa có người yêu, mãi gần 5 năm sau mới thực hiện được (mà cũng không phải là đi với người yêu!) Chỉ 4 ngày ngắn ngủi ở Chiang Mai, chưa đi hết, chưa khám phá hết. Nhưng cũng là 4 ngày yên bình, cho cái hẹn lần sau!

Đi Chiang Mai hồi xưa cực hơn bây giờ nhiều, vì chưa có chuyến bay thẳng, phải bay sang Bangkok, rồi bay hoặc ngồi xe đi Chiang Mai, giống kiểu đi Đà Lạt vậy đó. Mình đi vừa đúng Vietjet có chuyến bay thẳng cách đây không lâu, cách 1 ngày có 1 chuyến vào buổi trưa, tới nơi vừa đẹp giờ check-in, giá cũng tầm tầm như bay sang Bangkok, 2tr5 – 3tr5 tùy lúc book thế nào. Hình như bài travel nào mình cũng phải cám ơn chị Thảo vì đã mở đường bay đến những nơi bọn trẻ khát khao. Hạn chế delay nữa là tuyệt chị nhé, team travel bờ bụi sẽ bám chị nhiều nhiều.

Chiang Mai đón mình bằng gió thốc, rồi mưa sml rất nhanh sau đó. Mình đọc các bài review bảo ra khỏi cổng sân bay quẹo trái sẽ tới chỗ đón taxi chính hãng, nhưng mình méo có thấy đâu. Sân bay Chiang Mai nhỏ xí, cổng đến nằm sau cùng, cổng đi nằm chính giữa, còn bãi taxi nói thật bận đi bận về mình cũng chưa thấy! Nên có 03 cách thế này cho bạn bắt xe từ sân bay về trung tâm (gần xịt, chừng 5km à):

  • Dùng dịch vụ taxi ở các quầy trước khi ra khỏi cổng sân bay: tầm 150 – 200 THB
  • Đặt trước xe đón của các travel agency như klook, kkday, traveloka: mắc hơn xíu, vì nó tính là “private car”
  • Book grab: giá cả tùy thời điểm và thời tiết. Hôm ấy xuống trời chuyển giông rồi mưa nên giá hiển thị 200 THB mà cũng không ai nhận, nên mình đành ngoắc đại taxi dù trước cổng cũng 200 THB.

Nếu bạn Google Map Chiang Mai sẽ thấy hiển thị chiếc hình vuông rất ngộ. Đó là Chiang Mai Old Town, nếu phải so sánh cho dễ hình dung thì giống như Phố Cổ Hà Nội ih. Chiếc hình vuông bạn thấy trên bản đồ là “vành đai” khu phố cổ, bao quanh bởi dòng kênh nhỏ có vòi phun nước thô sơ, cùng vết tích bờ tường xưa mà người ta cố gắng giữ nguyên trạng. Vành đai đó và hàng chục ngôi chùa cổ bên trong là những gì cổ nhất của Old Town. Còn nhà cửa thì hiện đại hết rồi, không phải kiểu nhà cổ như Hà Nội. Hồi đầu mình mất cả tuần đắn đo xem nên ở khu Old Town hay khu Nimman hiện đại, và rồi may là đã quyết định đúng đắn khi ở trong Old Town. Nghĩ lại cũng thường tình thôi, nếu là dân Hà Nội chắc cũng chả ai ham ở trong phố cổ, nhưng vẫn vào phố cổ vì có nhiều cái để chơi, và khách du lịch cũng thích ở phố cổ hơn. Chỗ ở thì mình thường không review vì gu ở mỗi người mỗi khác, mọi người cứ vào Agoda / Airbnb filter theo nhu cầu là được thôi. Hãy ở gần Saturday / Sunday night market nếu đi vào cuối tuần, lê la chợ đêm cho tiện. Lúc search mình thấy có nhiều homestay chill chill trong Old Town trên Airbnb, hơi đắt nhưng không có ăn sáng. Nếu là đi với người yêu thì book ngay rồi, nhưng đi với mẹ nên khách sạn tiêu chuẩn vẫn tiện nhất.

Chiang Mai có những từ khóa nổi bật sau: chùa, chợ đêm, làng nghệ thuật, khu dã ngoại vận động, khu bảo tồn voi, thả đèn trời (cuối năm). Chuyến vừa rồi vì đặc thù đi với mẹ nên mình không cover 3 cái sau, nói trước để mọi người đừng trông đợi vào những gì sắp được viết lại bên dưới. 3 cái sau thì “đặt gạch” chờ dịp được đi cùng người yêu vậy. Thế nên mới nói, Chiang Mai hành trình yên bình, vì chỉ có đi chợ, ăn uống, mua sắm và đi chùa 🙂 Đi lại ở Chiang Mai mình đều dùng Grab nhé, cashless và giá ổn hơn các loại xe truyền thống.

LÀNG NGHỆ THUẬT BAAN KANG WAT:

Cái gì thích nhất thì viết trước 🙂 Chỗ này cách trung tâm chừng 7km, xa hơn sân bay một tẹo, Grab chừng 80 THB / chiều thôi. Thời điểm tốt nhất để đến đây là sáng / chiều thứ 7 & chủ nhật; thứ 2 đóng cửa còn các ngày trong tuần thì gần trưa mới mở. Mô tả ngắn gọn thì đây là 1 khu tổ hợp mà bạn có thể lên hình chục tấm trong mỗi 10 bước chân. Hình của chuyến đi nhiều nhất là ở đây, mình cũng đốt hơn nửa cuộn film ở đây (mà nếu biết Bangkok giờ chán thế mình đã đốt hết cuộn ở đây luôn cho rồi).

Mọi thứ đều rất nhẹ nhàng, nhỏ nhỏ xinh xinh chill chill với gần 20 shop, mỗi shop chỉ chừng 3m x 3m bao quanh bởi rất nhiều chậu cây và những món trang trí vintage, bán quần áo phụ kiện handmade. Thật ra mà nói, tới đây ăn uống chụp ảnh thư giãn nhiều hơn là mua sắm vì mặt hàng ít và cũng hơi kén. Cuối tuần sẽ có nhiều hoạt động hơn như là chợ phiên, workshop nghệ thuật, thậm chí là cho gà ăn :))

Chỗ này cùng nhiều thứ bày trí khiến mình nhớ Đà Lạt khủng khiếp!

3 chỗ ăn uống mình đã thử:

Quán sinh tố: Bác đứng bán không nói được tiếng Anh nhưng rất thân thiện. 10h mới mở nhưng 9h mình đã tới, sà vào chụp ảnh loanh quanh khắp nơi trong quán, đòi order sớm và bác vẫn nhẹ nhàng tiếp đón. Quán nhỏ, xinh, vừa vào cổng rẽ phải là thấy ngay, mỗi khung hình đều khiến mình nhớ Đà Lạt.

Processed with VSCO with f2 preset

Thức uống bày trí cũng ăn ảnh lắm nhá! Gía tầm 45 – 65 THB / cho nước ép hoặc sinh tố.

Quán The Old Chiang Mai: Hai mẹ con còn hơi no và chủ yếu muốn tìm chỗ nghỉ chân cho đỡ mệt và nóng nên chỉ order 1 phần mỳ và 1 ly milk latte, 225 THB, ngon lành hếy sảy.

Quán cơm: Dù đã hết nửa dĩa mỳ và gần 1 ly sữa vào bụng nhưng đi ngang, mình vẫn không kềm nổi mà dứt luôn 1 phần cơm. Món ăn trông thế này thì kềm lòng sao đặng! Cơm thịt chiên với phần ở trên là gì không rõ nhưng giòn giòn mặn mặn, ăn với trứng lòng đào, trời ơi ngon nức lòng nức dạ, chỉ 60 THB. Quán cơm nằm gần quán sinh tố khu gần cổng luôn nha!

Lần sau có dịp ghé lại, mình nhất định sẽ dành hẳn 1 ngày ở đây. Lang thang, chụp mấy thứ nhỏ xinh, ngồi ngắm mây và thả mình trôi. À, cho gà ăn nữa 😉

NHỮNG NGÔI CHÙA CỔ

Sau khi đi 2 ngôi chùa to đùng nức tiếng ở Bangkok charge tiền như khu du lịch, mình càng thấy thương yêu hơn những ngôi chùa yên bình nép mình đã ghé qua ở Chiang Mai. Ở đây, gần như cứ cách 1 ngã tư là có một ngôi chùa. Chùa thường nằm bên trong khu vườn xanh mát, một số bức tượng đứng chung với cây cối ngoài trời thành một khung cảnh yên bình, vẫn còn những chiếc gạch xưa chứ không bờ tường xi măng như chùa thành phố, mà người ta phải bỏ mấy trăm ngàn để được vào chùa nhìn bức tượng khổng lồ nằm trong 4 bức tường thay vì dưới trời xanh.

Nếu đến Chiang Mai muốn chút yên bình thì hãy tìm một chiếc xe đi qua từng ngã, dừng lại ở từng ngôi chùa bạn gặp trên đường. Bước vào, và ngồi lại trong những khu vườn ấy.

Trong chuyến đi mình còn book tour nửa ngày lên đồi Doi Sunthep. Chỗ này hơi xa thành phố, di chuyển tầm 45 phút. Rất khuyến khích các bạn đi xe máy vì đường rất đẹp, rất mát mẻ và nhiều cây xanh, càng lên cao càng nhìn bao quát thành phố, cua cùi chỏ hầu như liên tục. Vậy nên nếu đi xe hơi thì coi chừng gọi tên người con gái tên Huệ.

Anh hướng dẫn viên kể: hồi xưa muốn lên chùa phải đi băng rừng mấy tiếng. Cực quá nên vua muốn làm chiếc đường vòng quanh núi lên chùa cho mọi người, mà không dám làm bừa vì chặt cây phá rừng sẽ làm thiên nhiên phật lòng nên thỉnh ý sư thầy. Sư thầy đi vào rừng mấy ngày để xin ý kiến của rừng, rồi trở ra bảo có thể làm được. Nhà vua mời thầy lead dự án luôn, và con đường dài 11km hoàn thành rất nhanh chỉ nửa năm sau đó. Một câu chuyện nhỏ, nhưng đủ để thấy đức tin chi phối con người nhiều lắm. Chỉ khi còn tin và tôn trọng Mẹ thiên nhiên, người ta mới biết giữ gìn. Giờ, hầu như con người tự coi mình là mẹ thiên hạ.

Ngôi chùa tương truyền được con voi trắng của vua tìm thấy, nổi tiếng, bề thế, nhưng mình không thích bằng những ngôi chùa trong khu phố cổ. Ở giữa thiên nhiên rừng xanh mà quấn quanh toàn cây giả, hoa giả, là sao không hiểu?? Có chiếc ban công nhìn toàn cảnh như hình, mà nghe đâu công trình bị dừng lại khi còn dang dở do dân chúng biểu tình dám xây đài vọng cao hơn mái nhà chùa.

Trên đường đi mình còn ghé qua làng người dân tộc. Cũng không có gì đặc biệt lắm, nhiều shop bán đồ dân tộc, một vườn hoa và chiếc thác nước nhỏ thu phí 10 THB / người. Sáng hôm ấy nhiều nắng nhưng không quá nóng, đi loanh quanh chụp vài chiếc ảnh xinh xinh.

Hai điều nhỏ nhỏ khác mình thích trong chuyến đi. Một là mấy biển báo cua trên đường đều được lắp tấm lá năng lượng mặt trời hiện đại. Hai là khi xuống làng dân tộc đó đường trở nên rất rất nhỏ, hầu như không vừa 2 chiếc xe đi ngược chiều nhau. Thế nên mỗi khi 2 chiếc xe gặp nhau, một chiếc sẽ phải nép vào sát vách đá hay mép vực, hoặc thậm chí lùi lại dù đang trên cua, cho chiếc kia qua. Và thường người ta chủ động nhường nhau. Nhẹ nhàng, không gấp gáp, và luôn đi kèm lời cám ơn. Trộm nghĩ, không lẽ chỉ ở nơi có đủ không gian yên bình, người ta mới đủ thời gian và năng lượng sống chan hòa thế…

CHỢ ĐÊM CUỐI TUẦN:

Thật kì lạ khi giờ mình thích chợ đêm vùng quê hơn cả chợ đêm thành phố. Trong khu phố cổ có chợ đêm thứ 7 và chủ nhật. Không chỉ là cái tên đâu nhe, người ta chỉ họp chợ đúng thứ 7 hoặc chủ nhật ah. Muốn đi thêm cũng không được, ngẩn ngơ vì cả con đường tối hôm trước còn chật kín gian hàng mà sáng hôm sau đã sạch bong không vết tích. Con đường chỉ 1 – 2 km mà đi cả nửa tiếng mới được 1/3. Vì có quá nhiều thứ để nhìn ngắm và có thể mua được, từ những món quà bình dân cho tới những quyển sổ handmade mà người ta ngồi vẽ bìa tại chỗ, những chiếc áo thun trơn đủ màu vải mát nhẹ dưới 100k cho tới những chiếc phỏng lại từ áo dân tộc.

Xen lẫn còn là rất nhiều thứ bỏ bụng, từ bánh vạt kiểu Nhật 10 THB / chiếc cho tới nước dừa dứa ngọt mát 20 THB / bình (trong khi dừa trước khu chợ Pratunam ở Bangkok mắc gấp 5 lần nhé).

Có một ngôi chùa “chơi tới”, mở cửa suốt đêm, cho mọi người bán hàng mở nhạc xập xình ngay khu vườn phía trước. Mà hay là bước vào bên trong chùa lại thấy ngay sự yên tịnh nhẹ nhàng.

KHU ẨM THỰC VÀNH ĐAI PHỐ CỔ CHANG PUEK MARKET:

 

Vào đêm cuối cùng ở Chiang Mai, mình ven dọc vành đai phía Bắc ở phố cổ đi thêm 2 -3 ngôi chùa nữa và ghé đại khu ẩm thực gần đó. Ấy vậy mà cũng hữu duyên ghé đúng chỗ nên ghé, ăn được món cơm “Cowboy” nổi tiếng ở đây. Cơm thịt heo hầm kiểu hơi giống phá lấu, với trứng và dưa chua, 60 THB, đông nghịt khách, chủ yếu là Hàn và Trung.

1 trái dừa ướp lạnh to ứ hự 50 THB, và thêm 1 chén chè 40 THB nữa.

NIMNAM HÀO NHOÁNG (VÀ CHÁN):

Khu hiện đại mới nổi mà suýt nữa mình đã book ở đây. Người ta mang nhiều shopping mall tới Chiang Mai, thậm chí xây hẳn 1 khu One Nimnam kiểu Tây Tây với những cửa hàng sáng choang lấp lánh, thiết kế để khách bắt buộc phải đi ngang qua tất cả, tag giá đều trên 1000 THB.

Ghé thử cho biết, chứ mình thì không thích. Không khác gì những khu tổ hợp có thể tìm thấy bất cứ đâu, Shanghai hay bất kì thành phố khác. Ngồi vào cũng có hình, nhưng không khiến ống kính rung cảm được như Baan Kang Wat.

Mình không mua cũng không ăn gì ở đây, chỉ ghé mỗi hàng kem gelato 99 THB cho 2 viên kem lạnh dẻo – điều duy nhất có thể ưng được.

NIGHT BAZAAR MARKET:

Khu chợ dành cho khách du lịch, bán dọc con đường lớn. Tới đây rồi mình mới tiếc hùi hụi vì sao không tiêu pha ở chợ đêm cuối tuần bên trong phố cổ, muốn đi lại cũng không được. Chợ khu này bán chủ yếu những món cho khách du lịch: những chiếc áo thun “mặc là biết đi Thái”, những chiếc quần áo họa tiết đặc trưng, bóp ví da móc khóa, túi mây túi cói, trái cây sấy khô các loại… Nói thách nhiều, nhớ trả giá ít nhất 1/3 (thậm chí áo thun hét giá 250 THB, trả 150 THB vẫn được bán và có lẽ vẫn bị hớ), mà tốt nhất là tìm mua ở những cửa hàng bên trong phố cổ được giá hơn khu này nhiều! Cửa hàng nhỏ ngay kế khách sạn mình ở, giá chỉ tầm 100 – 200 THB cho mỗi món được rao từ 200 THB trở nên ở Night Bazaar. Hai bên đường thỉnh thoảng có vài khu ăn uống nhỏ, chủ yếu dựng lên cho Tây, bán đồ Thái và hải sản, với nước trái cây và bia rượu, nhạc sống xập xình.

Tóm lại mình vẫn thích chợ đêm cuối tuần trong phố cổ hơn cả. Bình dị hơn, chân thành hơn, đang họp chợ tưng bừng còn tự dưng đồng loạt pause lại đứng im lìm nghiêm chỉnh khi bài hát (chắc là quốc ca) vang lên từ chiếc loa chợ.

Vài thứ linh tinh nhỏ xinh:

Những chú chó trong chùa, chủ yếu là nằm ngủ, có chú được vẽ hẳn cho cặp lông mày, mặt chảnh lên hẳn khi được nựng

Chiếc quán nhỏ với chiếc xe cổ nằm trong phố cổ

Những combo pad Thai tomyum bất tận

Hãy thử massage khu phố cổ, bình dân thì hầu như đồng giá 300 THB/h massage chân hoặc massage Thái, 500 THB/h massage tinh dầu. Mình chọn combo massage chân + Thái + tinh dầu trong 2 tiếng, 1500 THB cho 2 người, với bánh quy nhân thơm và nước sâm ngọt mát nữa. Tiệm massage Chinola ngay đối diện khách sạn mình ở, quá tiện luôn.

Người ta hay so sánh Chiang Mai kiểu như Đà Lạt, nhưng đừng mang kỳ vọng đó tới Chiang Mai. Chiang Mai không lạnh, không rừng xanh sương khói được như Đà Lạt. Chiang Mai là đóa hoa phương Bắc, lửng lơ lưng chừng, vừa đủ dung dị, vừa đủ yên bình, để những ai có đủ thời gian tiêu pha thì ghé qua. Mong sớm trở lại Chiang Mai, để được đu dây băng rừng và tắm bùn cho những chú voi con.