CÓ PHẢI EM, MÙA MƯA (BÃO) SÀI GÒN

Thỉnh thoảng, người Sài Gòn vẫn hay ganh tỵ vì ở đầu kia đất nước – Hà Nội, có một mùa thu lá bay lãng mạn đến vô cùng. Còn ở đây, ngay tại Sài Gòn này, cũng trong khoảng thời gian tương tự, bạn của họ lại là một vị khách không mời với bao điều dở khóc dở cười, mà cười thì phải ra nước mắt. Tôi nói em đó, mùa mưa bão Sài Gòn!

 

 

Ngày tôi biết đến em là ngày tôi kịp ý thức sinh nhật mình nằm ngay mùa mưa bão. Những cơn mưa đầu mùa qua đến tháng 6 đã muốn ngập thành phố này rồi. Và chẳng hiểu sao, năm nào cũng đúng ngay hôm sinh nhật tôi, em nhất định sẽ phải đến. Dù trước đó một ngày vẫn chưa thấy em đâu, hay sau đó một ngày em đã ra đi vội vã. Hai mươi mấy năm rồi em vẫn giữ mãi thói quen đó, ồn ào và mạnh mẽ.

 

Nếu ai đó hỏi tôi, mùa mưa bão Sài Gòn nay có khác xưa nhiều không, tôi sẽ gật đầu ngay tắp lự. Khác chứ, khác nhiều lắm! Hai mươi mấy năm qua em ghé thăm tôi, thăm thành phố này, mỗi năm đều là một dung mạo mới.

 

 

Ngày đó, em luôn đến thành phố này vào một cái hẹn nhất định. Tôi nhớ rất rõ những ngày tổng kết năm học, ngày lễ duy nhất trong năm mà trường phải thuê tấm bạt thật lớn căng ở trên đầu, sọc xanh trắng hay đỏ như những tấm bạt ngoài rạp xiếc. Ôm trên đôi cánh tay những món quà, những tờ giấy khen, đứng ngoài vùng phủ bạt, khẽ những giọt nước từ đâu đó rơi xuống tay mình. Ngước mắt lên cao nom áng mây xám ngầu trên kia, tôi biết rằng em đã đến. Bắt đầu mùa hè thật sự, không sớm hơn cũng chẳng trễ hơn.

 

 

Ngày đó, em đến luôn làm dậy lên những trò vui con nít. Biết bao lần tôi đã chờ đến khi trời đổ mưa thật lớn, tất nhiên là để chạy ra tắm mưa. Nhà tôi mái tôn, nước mưa rơi xuống rất mạnh, đứng ngay dòng chảy mà đưa cái lưng ra như được ai đó đấm thùm thụp. Mưa còn là khi mấy cây súng nước của tôi phát huy tác dụng. Không có kẻ thù lẫn đồng đội, lắm lúc tôi cũng chỉ bắn lung tung lên lưng nhà đối diện. Tắm mưa, tôi thường chỉ đứng nhún nhảy chừng năm mười phút rồi chạy ngay vào nhà. Phần vì sợ sấm sét đánh cháy khét đen thui như mẹ vẫn thường dọa, phần vì cái lạnh buốt giá. Tắm mưa rồi là vào nhà có thể xối nước lạnh thả ga chẳng còn cảm giác gì nữa. Tôi vẫn luôn trông chờ những cơn mưa lớn như thế này, để được vài phút ít ỏi đắm chìm trong buốt lạnh, trong cái âm thanh ào ào bên tai, ngoài ra chẳng còn gì nữa. Như một sự gột rửa và thanh trần. Còn những cơn mưa vừa và nhỏ khác, tôi cũng có thú vui riêng. Là ra cửa ngồi ngắm, hay thả một cái gì đó lên mặt nước rồi lặng lẽ quan sát xem chúng sẽ được đưa đến đâu. Thi thoảng trong tay có vài tờ vé số, thế nào tôi cũng xếp thuyền thả trôi sông. Sông, thật là sông đấy! Những cơn mưa dai dẳng thuở ấy luôn có thể biến bất cứ con đường, con hẻm nào đó thành một nhánh sông chung của cả Sài Gòn.

 

 

Thật, ngày đó, em đến là tất thảy đều thành sông hồ biển cả hết, không một ngoại lệ. Tôi vẫn nhớ như in những con đường nước ngập quá nửa bánh xe hay lên cả đầu gối. Tôi vẫn nhớ như in những con hẻm mà thậm chí ra ngoài đấy bơi lội hụp lặn tung tăng còn được. Tôi vẫn nhớ như in căn nhà đầu tiên tôi ở, cứ mưa là nước từ đường ống nước sẽ chảy ngược vào nhà, ngập hết cả gian bếp. Một buổi tối âm u nào đó, tôi ngồi xem các cô chơi cầu cơ. Bỗng chốc tôi hét lên thích thú: trời ơi cái chảo trôi lềnh bềnh kìa, bị các cô la quá trời vì đã phá vỡ không khí linh thiêng và ghê rợn của buổi “hội thảo” ấy. Tôi vẫn nhớ như in căn nhà thứ hai cũng khổ sở không kém. Thoạt đầu khi gia đình mới về đây, nhà tôi cao nhất xóm. Nhưng sau vài lần làm đường làm hẻm, bật thềm nhà tôi ngắn lại chỉ còn có mấy phân. Cứ mưa lớn một chút là phải lục đục đi kê đồ cao lên, dọn tất cả mọi thứ đang còn nằm trên mặt đất. Chặn giẻ, tát nước, thật chẳng muốn nhớ chút nào.

 

Ngày ấy, thật sự là tôi ghét em vì em đến mang theo quá nhiều phiền phức. Tôi rất sợ những ngày trời mưa, buổi chiều, ngay lúc tôi vừa tan học. Ngày đó, cả nhà chỉ có mỗi chiếc Honda. Mưa đến là khi ba tôi gồng mình với tay lái, vật lộn trong dòng sông, kềm ga hết mức có thể, bằng mọi giá giữ cho xe không chết giữa đường. Mà chết máy thì sao? Thì đẩy bộ, thì sửa xe, thì dầm mưa một hai tiếng đồng hồ ướt nhẹp mới về đến nhà chứ sao. Kỉ niệm kinh khủng nhất là một lần mẹ đón về. Mưa quá lớn, xe chết máy, và cái balô của tôi ngã lăng quay xuống nhánh sông chung của Sài Gòn. Ướt, ướt hết, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, ướt không còn chỗ nào để nói! Ca từ của những câu hát vẫn thường khen em thế này nọ kia. Nhưng với tôi, em là mùa khổ cực nhất trong những năm tháng của cuộc đời.

 

 

Còn ngày nay, trước hết là đã thấy em lỗi hẹn mà đến bất cứ lúc nào em thích. Có năm, mùa mưa như ngắn lại, ngắn kinh khủng, và chỉ tầm tã những khi thành phố chịu ảnh hưởng của bão. Có năm, mùa mưa lại dài đến khôn cùng, và đôi lúc người ta chẳng biết thành phố này có những con đường hay là những con sông nữa. Cũng có năm, chẳng biết đâu là mùa mưa nữa cả. Mùng một Tết, trời vẫn trút nước ào ào xuống thành phố, cứ thế góp mặt vào tháng hai, tháng ba, tháng tư, kéo ra hết những tháng đúng mùa, rồi đến tận tháng mười hai vẫn chưa dứt hẳn.

 

 

Ngày nay, em đến, con nít đã không còn quá vui như trước nữa. Thành phố hôm nay, nhà mặt tiền, nhà hẻm lớn đã ngày càng nhiều hơn, và con nít trong đó thì đừng có mơ mà được ra đường tắm. Con nít còn phải giữ sức khỏe, đi học ở trường về chiều tối còn phải đến các lớp học thêm. Nghỉ ở nhà trong trời mưa gió thì cũng ngồi ôm ti vi hay nằm quẹt quẹt ipad. Ít ỏi trong những xóm lao động, những con hẻm nhỏ mới thấy con nít “ở choèng” tắm mưa. Còn những trò thả trôi sông như tôi khi xưa chắc cũng sắp tuyệt chủng. Ngày nay, mỗi năm em đến là mỗi năm thành phố ít đi những nhánh sông rồi. Nhà cửa đã cao hơn, đẹp hơn, mọi người ít phải tát lũ tập thể như trước nữa.

 

 

Tất cả những điều còn lại mà em có thể làm qua năm này tháng nọ, chính là duy trì một vài nhánh sông không bao giờ cạn, cũng như duy trì cái sự khổ ải trần ai cho những con người vốn không nhiều hứng thú lắm với việc bơi lội trong thành phố này. Lúc nào cũng vậy, em đến, thì nhất định thành phố vẫn phải đưa tin về một vài nhánh sông khủng khiếp. Như mấy hôm gần đây, thậm chí cái câu “nước lên tới háng” chẳng còn là một thành ngữ phi thực tế nữa. Một số người còn đùa, khéo nước sẽ phải “lên tới dzú” nếu ngày nào trời cũng đổ cả tấn nước thế này xuống đây.

 

Mỗi năm em đến, tôi ngày càng lớn, không còn là đứa nhóc chỉ biết mặc áo mưa ngồi sau xe nữa. Cũng đã đến lúc tôi gồng mình với tay lái, vật lộn trong dòng sông, kềm ga hết mức có thể, bằng mọi giá giữ cho xe không chết giữa đường. Đã thế, tôi lại còn bị cận. Chạy xe trong những cơn mưa giông cứ như thằng mù đi bắt bướm. Mưa táp vào mặt, vào mắt, vào má. Chết tiệt, thương là roi là vọt, nhưng tôi có cần em thương đến thế đâu! Một tối mưa quá lớn, nước ngập đến nửa cái xe rồi, vừa chạy vừa run chẳng biết khi nào thì sụp ổ gà dưới làn nước đục ngầu đó. Rồi lách qua lách lại mà va vào cái cống bên đường, cả người cả xe ngã lăng quay xuống nhánh sông chung của Sài Gòn. Ướt, ướt hết, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, ướt không còn chỗ nào để nói! Hai mươi mấy năm qua, người ta vẫn cứ tức cảnh sinh tình mỗi khi em đến. Nhưng với tôi, em vẫn là em, là mùa khổ cực nhất trong những năm tháng của cuộc đời.

 

 

Vậy đó. Hai mươi mấy năm qua, Sài Gòn đã khác xưa rồi. Người ta không còn quá khổ mỗi khi mùa mưa đến, nhà ít ngập hơn, đường cũng đỡ lầy lội hơn. Mùa mưa bão Sài Gòn là em cũng đã khác xưa rồi, nhưng ngồi mà nghĩ cho kĩ thì thấy em vẫn là em đó chứ! Vẫn được người ta ưu ái gọi bằng “em”, là cô gái đỏng đảnh nhất của cả cái đất Việt Nam này. Có ai như em đâu, chợt đến, chợt đi, rồi lại chợt đến.

 

Người Sài Gòn quen lắm rồi cái cảnh, toan đi đâu đó, vừa ra khỏi cửa được chút xíu là mưa. Cố gắng níu kéo, để cho ướt một chút, mưa nặng hạt dần rồi cũng phải bực mình tấp vào lề lôi ra cái áo mưa dưới cốp. Chật vật mặc vào, đi tiếp, chừng vài phút sau trời lại tạnh. Lại cố gắng đi tiếp, mặc áo mưa một chút, nhưng nóng quá rồi cũng phải bực mình tấp vào lề lôi cái áo mưa ra khỏi người. Chật vật chui ra, gấp lại đại khái rồi đi tiếp, chừng vài phút trời lại mưa nữa. Vừa chạy xe vừa dậm chân vừa la ó “trời ơi bực mình quá” như một đứa dở hơi, trong khi em lại tủm tỉm cười, có cái mình mà bực chi bực hoài.

 

Người Sài Gòn quen lắm rồi cái cảnh, vừa sát giờ hẹn hò quan trọng với ai đó là trời nhất định sẽ đổ cơn mưa. Mưa tối tăm mặt mũi, mưa thối đất thối cát. Mình thì tiu nghỉu, còn em vẫn cứ tủm tỉm cười như thách thức mình: mưa gió bão bùng vậy đó, lòng có đủ lớn, tình có đủ sâu mà đội mưa đi hẹn hò nữa hay không?

 

 

Sau cùng thì, dù em có thay đổi thế nào, có hay tủm tỉm cười cợt những con người dở hơi ghét bơi của thành phố này ra sao, em vẫn cứ là em – là cô gái đỏng đảnh nhất Sài Gòn này. Ai đó vẫn thường yêu em thế nào không biết, riêng tôi thì chẳng có được thứ tình cảm lãng đãng đó. Với tôi, em không phải là những cơn mưa để có thể ung dung thưởng thức cà phê nóng, trong chiếc ghế sofa êm ái, tại một nơi ấm cúng nào đó, hạnh phúc bên người yêu, và cứ thế cất lên những câu từ đẹp đẽ nhất. Mà với tôi, em chính là mùa mưa bão gào thét thật sự, ở ngoài kia, bì bõm trên những nhánh sông thành phố, lạnh buốt với gió và ướt nhem với nước, là dân lao động, là xe đẩy và hàng rong, là những con người đang vật lộn với cuộc sống này, với mùa mưa này, và với em này, một cô gái chẳng dịu dàng dễ thương chút nào cả.

 

 

Tôi chẳng yêu nổi em được, nhưng cũng chẳng ghét em được. Hai mươi mấy năm qua, em đã là một phần của tôi rồi, rất thật. Là mùa hè thật sự, là món quà sinh nhật. Là khổ cực, nhưng cũng là sự thanh trần và gột rửa. Là hồi sinh cả đất Sài Gòn này, sau những màn bụi mờ. Và mỗi khi khẽ những giọt nước từ đâu đó rơi xuống tay mình, ngước mắt lên cao nom áng mây xám ngầu trên kia, tôi lại sẽ nhếch mép một cái. Vừa lôi áo mưa ra, vừa ngân nga câu hát tự chế:

 

Có phải em….mùa mưa….Sài Gòn.

Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm

Có phải em…mùa mưa xưa…

Thôi thì có em, đời ta hy vọng

Thôi thì có em, mưa ướt môi mềm…

 

 

 

– Phonl –